Lại nói về chữ Thời, phàm là người ai cũng cần có tiền của. Vì tiền của vốn là thứ ngoài thân nên có thời được thời mất. Có thời được nhiều, thời được ít mà cũng có thời mất trắng, không còn gì. Có người đang khốn khó, kiếm dăm ba đồng vất vả lắm mà khi thì bị lừa, khi bị sự cố chậm nhận lương tiền, lại cũng có người phải lao động cực nhọc cả đời mới để dành được, phút chốc tiêu tan như nước trôi qua cầu, phải làm lại từ đầu. Lòng dạ đau khổ, cảm thấy mình như ở chỗ bùn sâu đáy giếng...
Lúc bấy giờ, Kinh Dịch có quẻ tương ứng với sự khổ đau ấy, đó là quẻ Khuê. Khuê nghĩa là tổn thương vì mất mát, là thời phải rời khỏi cái mình sở hữu... Câu đầu tiên "Gia đạo đến lúc cùng thì có người trong nhà chia lìa nhau, cho nên sau quẻ Gia nhân tới quẻ Khuê. Khuê nghĩa là chia lìa."
Vậy người ở thời Khuê phải làm sao ?
Hãy như quẻ nói "Tiểu sự, cát", nghĩa là làm việc nhỏ, nhẹ đã rồi sau mới tốt. Chọn điều đơn giản, nhẹ nhàng từ việc làm đến suy nghĩ, có vậy mới tương thích với thời Khuê. Khuê vốn thời mất mát, làm sao có đủ lớn để làm đại sự ! Chi bằng làm việc nhỏ trước, vất vả một chút cũng được rồi sau hẵng tính tiếp. Nếu làm được như vậy sẽ có thành quả như hào 1.
Hào 1 nói gì ?
“悔亡, 喪馬, 勿逐, 自復. 見惡人.无咎.
Hối vong, táng mã, vật trục, tự phục kiến ác nhân, vô cữu."
Dịch là Rồi thì những điều tiếc nuối cũng qua thôi; tiền của mất rồi thì như "Tái Ông thất mã" vậy, đừng sầu muộn, tự nó sẽ về, ai chẳng có lúc sai lầm rồi mới tránh được lỗi và khôi phục về sau !
|
Nguồn hình: Internet |
-dongquangus-