Dịch Kinh luận về Thời mà chẳng nói có Thời. Đó bởi vì nói Thời thì cứ một giây trôi qua cũng đã qua một Thời, thành thử lời lúc nói ra đã là lời của quá khứ. Giây kế tiếp đã đến ngay hiện tại, giây kế tiếp nữa vẫn còn ở tương lai. Chẳng thể sống trước cái giây hiện tại, cũng không níu kịp giây đã qua. Vậy nói Đang gặp Thời mà cũng là nói Đã hết Thời, lại nói là Chưa gặp Thời cũng không sai.
Mệnh người cũng vậy, lúc Đang gặp Thời cũng là lúc Thời đã Qua. Chẳng có gì nán lại dù chỉ một giây cho người gặp cái gọi là Gặp Thời. Thành công đó, vui vẻ đó, tài lộc đó, quyền lực đó, có mà như không vì chẳng thấy đâu. Còn đó mà đã qua, không kịp chớp mắt. Một giây có thể thay đổi cả một đời mà chẳng níu được, huống hồ là mong chuyện trăm năm. Cũng như nhà Phật nói mọi thứ đều chỉ là ảo ảnh, "vạn pháp vô ngã", "nhất thiết pháp vô tướng" nhưng không phải ai cũng nghĩ vậy, đa phần gặp Thời thường chủ quan, kiêu căng ngạo mạn, "Mạnh vì gạo, bạo vì tiền", nhiều khi chạy theo danh lợi mà bỏ qua nhân nghĩa. Vì thế, tiền nhân đã lấy chữ Khiêm làm Đạo cho người Đang gặp Thời. Người đang thời phong độ, phải lấy Khiêm làm gốc. Khiêm là khiêm nhường mà cũng là khiêm hạ. Khiêm là không tham lam, không tham lam thì mới Khiêm. Khiêm là nhường mà không mất trang nghiêm, Hạ là hạ mình mà vẫn không luồn cúi, vô sỉ. Quy lại tất cả là hàm nghĩa hãy sống có trí tuệ lúc Đang gặp Thời. Nếu Đang gặp Thời mà có trí tuệ, có Khiêm nhường tức khôn ngoan thì sống ở Thời nào cũng tốt.
Đang gặp Thời, Đã hết Thời, Chưa gặp Thời tựu chung cũng chỉ một chữ Thời. Chẳng có phân chia gì. Tất cả chỉ trong Một mà thôi !
Nguồn hình minh họa: Internet |