"
Khang Tiết Thiệu tiên sinh viết :
Hữu nhân lai vấn bốc, như hà thị hoạ phước ?
Ngã khuy nhân thị hoạ, nhân khuy ngã thị phước ... "
(Thiệu Khang Tiết tiên sinh nói:
Có người tới xem bói, rồi hỏi thế nào là Họa Phước ?
Tôi nói hại người là Họa, bị người hại là Phước"
Lạ thật ! Tại sao lại như vậy ? Làm thiện thì được hưởng phước, cớ gì bị người hại cũng là phước ?
Đó là bởi vì khi "ta bị người hại" thì nó đối lập với "ta hại người". Ta hại người là Âm, người hại ta là Dương. Nếu Âm là họa, ắt đối xứng nó là Dương- phước. Ta hại người, ta thất đức, đối xứng thất đức là có đức.
Có hai điều ta bị hại:
1 - Bị hại do phải trả Quả của nghiệp chướng.
2 - Bị hàm oan.
Với điều thứ nhất, đó là Nhân Quả không sai, hại người người hại, chẳng thể oán trách ai được. Trả được nghiệp chướng, cũng ví như trả được nợ ngân hàng, vừa khỏi nợ vốn mà cũng không phải trả lãi nữa. Gọi là có phước.
|
Ng.:Internet |
Với điều thứ hai là hàm oan, như Dịch nói nghĩa là Trời Đất , Âm Dương đã không còn cân bằng, chỗ thấp lại còn bị lún sâu (bị oan), không còn Thiên đạo nữa. Dù là bị hại oan thân mạng, tài sản hay nhân phẩm cũng đều nghĩa vạn vật chưa công bằng, do đó để Thiên đạo được duy trì, vũ trụ sẽ bù đắp cho chỗ oan ấy, ví như nơi mặt đất có chỗ hầm hố trũng thì nước sẽ chảy vào.
Do đó, khi bị người hại, chớ có trách Trời, trách người, chẳng sớm thì muộn, đứng trước Nhân Quả, tất cả đều chỉ có Một mà thôi. Đó là Công Bằng.
Thế nói bị người hại là có phước, vậy phước lớn hay nhỏ ?
Còn tùy ở cái Tâm mình ứng xử thế nào khi bị hại.
-dongquangus-