Khi có việc cần tư vấn quyết định gấp hãy gọi/sms ngay số 083 313 9692 - 0948 831 3060 hoặc e-mail về dongquangus@gmail.com để được ưu tiên tư vấn nhanh!

Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014

Suy nghĩ của cha

Sáng một ngày đầy mây, nắng le lói, không khí trở nên ẩm ướt như chuẩn bị cho trận mưa lớn sắp tới sau khi nhấp ngụm cafe nóng, tạm gác qua mấy việc vặt vãnh, ta ngồi nghĩ chuyện thế gian.

Ta nhớ một đêm tối trời, có người cha nọ băn khoăn suy nghĩ về cuộc đời và tương lai, nghĩ về số mệnh của mình không biết tương lai có còn được sống cùng các con hay không ?

Có lẽ đó là câu hỏi mà bất cứ người cha nào cũng sẽ có ít nhất một lần nghĩ đến trong đời nhưng tình cảnh mỗi người cha mỗi khác nên cái suy nghĩ tuy có cùng nội dung nhưng sẽ chẳng ai giống ai. Ta nhân duyên vậy nói riêng với người cha ấy thế này.

Luận rằng thời của Tốn là sự thuận tùy. Vì sao ? Đó là vì trên Tốn mà dưới cũng Tốn. Tốn là từ chỗ Càn ba hào dương mà chịu khuyết ở dưới một hào âm. Hai dương một âm, đó là tượng âm phục tùng dương. Vì trên cũng Âm phục tùng Dương mà dưới cũng thế nên gọi là thuận theo.

Vì sao lại thuận theo ?
Đó là vì Càn khuyết đi một mà lại là khuyết ở dưới nên có sự tình chi còn giấu trong lòng chẳng tiện nói ra. Vì có sự tình riêng mà lại thuận tùy theo tình cảnh nên mới nói đó là Tốn.

Tốn từ đâu mà ra ?
Bởi vì ngày xưa, Tốn đến từ chỗ Lữ. Lữ là đến chỗ tha hương.
Vì ngày xưa ta sống đời lữ thứ, ta đến ở rồi gá thân nhau chốn quê người. Vì thân lữ khách đã dừng chân nơi quán trọ, nhiều việc buộc ràng chẳng khác nào ngựa đã bị cột vào dây cương nên tâm tư mới đến chỗ Tốn ngày nay.

Vậy thì phải làm sao ?
Ta nói Hào Động là chỗ nhắc nhở của Thần.Hào động nói thế này:

"上九: 巽在床下, 喪其資斧, 貞凶.
Thượng cửu: Tốn tại sàng hạ, táng kì tư phủ, trinh hung."

Dịch là : Giấu diếm ở dưới sàng giường, coi chừng mất đồ hộ thân, nếu cứ giữ cái lối suy nghĩ như vậy thì sẽ có chuyện đấy !

Rồi sau cùng sẽ ra sao ?
Từ chỗ Tốn mà đến chỗ Tỉnh, đó là đến chỗ của sự trầm lắng .
Cha sẽ trầm lắng, việc nào thái quá cha sẽ kìm chế. Tất cả là vì con và chỉ có thế mới được ở bên con.

-dongquangus-


Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

Rồi đây V.Putin sẽ ra sao ?

Đêm khuya thanh vắng, lúc mọi người ngủ say trừ những "cú đêm", ta hãy nói chuyện chính trị.
Vì sao ? Vì sáng ra ta bắt đầu ngày mới mà lại nói chuyện chính trị -vốn là cái thứ thị phi- thì sẽ chẳng hay.

Hỏi chứ thời gian gần đây, chuyện ngài Putin của nước Nga "một mình chống lại mafia" Mỹ và EU đã diễn biến thêm căng thẳng. Nhìn cái mặt ngoảnh đi hờn dỗi của Obama và cái nhíu mày ghen tỵ của Harper khi nhìn thấy Putin ở hội nghị G20 rồi thi thoảng tình cờ đọc mấy cái bình luận & status của mấy tay chính trị nghiệp dư xứ Vê-anh-nờ, ta tự hỏi rồi đây Putin sẽ ra làm sao ?

Liền đó ta thấy cảnh đổi thay, Gió thổi đưa Mây bay đi ngàn trùng... Nào lòng yêu nước nồng nàn hay mưu đồ vương bá. Mặc lòng, sự nghiệp chính trị rồi cũng như nước chảy mây trôi, về nơi vô cùng, chẳng thể biết đi đâu về đâu.

Nói vậy có đáng tiếc chăng ?
Chẳng có gì đáng tiếc cả.
Gió thổi mây bay nhưng mây bay là để đem nước mưa đến tưới tắm muôn loài đó. 
Giải tán cái cũ (mây) để đem đến cái mới (mưa) tốt hơn vậy. Như đạo lý Vô thường, Tan rồi Hợp, Hợp rồi Tan. Tan chưa hẳn xấu, Hợp chưa chắc vui. 

-dongquangus-

Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

Công Phượng

Sáng ngày đẹp trời, nắng vàng hanh, gió man mát, ta bèn đem chuyện hôm qua của môn đồ cùng đọc chuyện hôm nay về anh chàng Công Phượng. Ta nói thế này :

Ích là chỗ của Càn ở trên mà bớt đi một Dương để thành Tốn, Khôn ở dưới mà bớt đi một Âm để hướng lên thành Chấn. Trên bớt nói nhiều, dưới nhịn một lời thì đôi bên đều có lợi ích.

 
Quẻ Ích có câu :
"六二: 或益之十朋之龜 弗克違, 永貞吉.王用享于帝, 吉.

Lục nhị: Hoặc ích chi thập bằng chi qui, phất khắc vi, vĩnh trinh cát. Vương dụng hưởng vu đế, cát.
Dịch là: Thình lình có người giúp cho mình một con rùa lớn đáng giá mười “bằng”, không từ chối được, rất tốt. Nếu là vua dùng đức để tế Thượng Ðế, Thượng Đế cũng hưởng, mà được phúc, tốt."
Điều đó nghĩa là để ghi bàn vào lưới đối phương, lập công đạt được danh hiệu thì anh cũng phải nhờ yếu tố may mắn gồm cả từ sự giúp đỡ của người khác. Vì may mắn ấy đến từ "Thượng Đế", anh không từ chối được nên mới xảy ra chuyện như báo đài râm ran.

 
Quẻ Ích lại nói tiếp:
"
上九: 莫益之或擊之.立心勿恆, 凶.
Thượng cửu: Mạc ích chi hoặc kích chi. Lập tâm vật hằng, hung.

Dịch: Hào trên cùng, dương: Không ai làm ích cho mình mà có người đả kích mình nữa, là vì không giữ được hằng tâm (lòng luôn luôn tốt), xấu.
Giảng: Hào này dương cương, ở cuối quẻ ích, là có lòng cầu ích đến cùng cực, tất bị nhiều người oán; như vậy chỉ vì không giữ được hằng tâm."

 
Đến đây hào này đã vừa thuộc Công Phượng mà cũng đã ở quan ngoại, tức cũng là nói đến báo đài. VTV đã đi hơi quá xa và đó là điều không còn lợi ích nữa bởi đây đã là đỉnh của Ích rồi. Việc chỉ ra sai phạm là tốt nhưng nói nhiều quá hóa ra thành cái đồ nhiều chuyện. Nếu VTV cứ tiếp tục cái lối này sẽ chẳng khá hơn một tờ lá cải.

 
Phần Công Phượng thì chỉ cần giữ cho được cái "hằng tâm" của mình, đó chẳng qua chỉ là một cái hố trên con đường không hề bằng phẳng mà anh cần phải tránh để rồi sau đó lại có những điểm đến còn lợi ích hơn nhiều và hãy lưu ý lần nữa ở hai chữ "Hằng Tâm".

-dongquangus-

Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2014

Việc đã thành chưa ?


Trưa ngày nắng nhẹ, trong bầu không khí vẫn còn như ngồn ngột, sau khi cơm nước xong, ta thư thả nằm dài, những nghĩ là sẽ nghỉ ngơi nhưng rồi có người đến hỏi về Ký Tế. Thế là việc này vừa xong, việc khác lại tới, ta lại nhân duyên ấy mà nói.

Nước ở trên mà chảy xuống, lửa nóng mà ở dưới hướng lên. Nước chủ về Trí, Hỏa chủ về Lễ. Người có Trí vốn ở trên, trình độ cao mà biết hạ mình, đến với người trình độ thấp, tức là biết khiêm nhường, có Lễ mà chịu ở dưới nhưng biết hướng về Trí tức là người biết cách cư xử. Vừa có trình độ kiến thức mà vừa biết cách sống, biết cách ứng xử tức là người có tri thức, thế thì làm việc gì cũng thành, nên gọi là Ký Tế.
Ký Tế nghĩa là việc đã thành.
Thế nhưng sao quẻ lại nói "Sơ cát, chung loạn" (nghĩa là hồi đầu tốt, sau thì loạn) ? 
Đó là vì Dịch là biến dịch, sự biến dịch là bất dịch, đạo của vũ trụ là vĩnh viễn chẳng dừng nghỉ, không có gì ngừng vận động dù đó là vật chất hay phi vật chất, thế nên cái gì hoàn thành rồi nghĩa là chưa hoàn thành. Việc nào hoàn thành thì việc mới sẽ đến, cứ thế mãi. Việc lớn thành thì sẽ còn việc nhỏ. Việc nhỏ thành thì tiếp theo sẽ là việc lớn. Đời người cũng vậy, Sinh, Lão, Bệnh, Tử để rồi tiếp theo lại Sanh...Tử...Sanh... không có hồi kết. Nếu ai cho rằng việc mình làm đã xong rồi thôi, cứ thế dừng chân thì không đúng chân lý. 
Ví như một sinh viên đại học, suốt mấy năm miệt mài trên giảng đường, sau cùng cũng đã hoàn thành việc học của mình với tấm bằng tốt nghiệp. Nếu như sau đó anh ta thỏa mãn, suốt ngày ngồi chơi thay vì tiếp theo sẽ là học lên cao nữa hoặc đi làm việc để trao dồi vận dụng kiến thức đã học thì chẳng cần nói cũng biết về sau sẽ có hậu quả gì.
-dongquangus-
Đừng nghĩ lời tôi nói ở trên sẽ được tất cả chấp nhận, nhưng tốt hơn hết là phần đông đồng ý.

Khiêm

Chào ngày mới, khi mà sương mù hãy còn phơi màu trắng, ánh nắng vàng mọi ngày nay tạm bị mây che, không khí buổi sáng mà như hơi ngột ngạt của những buổi trưa hè, ta vẫn thế, nhâm nhi cafe, thư thả quan sát khắp nơi rồi nhân nhớ tháng này có ngày Lễ nhà giáo, ta bèn quay nhãn quan của mình vào nội tâm, ta quan sát "Bầy rồng không đầu" mà nghĩ về Đạo của quẻ Khiêm và về người thầy.

Nhìn Địa Sơn Khiêm, ta thấy núi cao mà đất lại ở thấp, thật đúng là kẻ biết khiêm nhường. Đất chẳng tranh cao như núi, biết hạ mình ở chân. Tuy ở chân hạ mình nhưng núi cũng từ đất mà ra. Trải qua năm tháng, Dịch là Biến Dịch, với bao lần vật đổi sao dời, chẳng chóng thì chày đất đỡ chân núi ngày nào nay chính là đỉnh núi. Người thầy ngày nay nào phải ai khác, cũng từng là đất ở chân núi ngày xưa đó thôi. Thế nên Khiêm mà chẳng mất gì cả, lại được khen nữa vậy.

Ví như đạo của người học trò, khi đối xử với người thầy, điều quan trọng nhất là phải khiêm hạ.

Vì sao ? Khiêm hạ đồng nghĩa tôn trọng. Ngược lại với khiêm là ngạo mạn, xem thường. Kẻ ngạo mạn ắt chẳng chịu nghe lời. Không chịu nghe lời tức chẳng chịu phân biệt Đúng-Sai. Không phân biệt đúng-sai ắt cũng chẳng nhận ra ai là thầy. Chẳng nhận ra thầy thì còn học ai và ở đâu được nữa.

Đến đây ta chợt nhớ truyện Tây Du Ký, Mỹ Hầu Vương kiêu căng, ỷ mình có võ nghệ, phép thuật, tự xưng là "Đại thánh ngang trời", coi trời bằng vung, đối mặt với Phật cũng chẳng khiêm nhường, tự cho mình có thể bay khỏi bàn tay Phật nên sau cùng bị "bùa" đè dưới núi Ngũ hành 500 năm.

Thực ra nào có phải Phật xài bùa chú gì đâu ?! Còn ông Phật chẳng phải ông Phật, lá bùa cũng chẳng phải là bùa gì cả, cái câu "Án ma ni bát di hồng" ghi trong ấy cũng chỉ là bức tranh nhiều màu cho câu chuyện thêm vui.  Đó chẳng qua chính là khi anh ngạo mạn, anh chẳng cần biết tới ai, kể cả chính Phật tánh chân chính trong tâm - vốn là người thầy chân chính nhất - anh cũng xem thường. Đi tiểu vào chính Phật tánh của mình thì anh còn tôn trọng, khiêm hạ với ai nữa chứ ? Nguyên lý của Dịch là hễ thái quá thì bất cập, nên sau cùng Quả cho ngạo mạn là phải bị đè bẹp.
500 năm chẳng phải là 500 năm. Đó chẳng qua chỉ là con số mô tả thời gian dài đằng đẳng để thấy rằng khi kiêu căng, anh chẳng nghe lời thì sẽ phải mất nhiều thời gian nữa mới hiểu được chân lý. 500 năm nằm không một chỗ, chẳng học thêm được tích sự gì, chẳng thầy lành bạn tốt nào tới cùng trao đổi. Cái giá cho sự ngạo mạn của Tề Thiên Đại Thánh thật đắt đỏ.

Kinh Dịch có 64 quẻ. Mỗi quẻ có 6 hào. Mỗi hào nói lên 64 sự việc. Mỗi sự việc có 64 tình huống. Mỗi tình huống ở mỗi hào có sự liên hệ mật thiết với các tình huống khác ở hào đó và với các hào còn lại. Tổng cộng 1 quẻ có lượng thông tin là 24.576 tình huống. Như vậy 64 quẻ Kinh Dịch chứa đựng 1.572.864 tình huống.

Chỉ một chữ "Khiêm" thôi mà đã có vô vàn chuyện để nói. Không biết bao giờ mới nói hết chuyện. Thôi, giờ ly cafe đã cạn, ta nói nhiêu đây. Hôm khác hữu duyên lại tiếp.

-dongquangus-

Đừng nghĩ lời tôi nói sẽ được tất cả chấp nhận. Dăm ba người gật gù là đủ rồi.