Chào ngày mới, khi mà sương mù hãy còn phơi màu trắng, ánh nắng vàng mọi ngày nay tạm bị mây che, không khí buổi sáng mà như hơi ngột ngạt của những buổi trưa hè, ta vẫn thế, nhâm nhi cafe, thư thả quan sát khắp nơi rồi nhân nhớ tháng này có ngày Lễ nhà giáo, ta bèn quay nhãn quan của mình vào nội tâm, ta quan sát "Bầy rồng không đầu" mà nghĩ về Đạo của quẻ Khiêm và về người thầy.
Nhìn Địa Sơn Khiêm, ta thấy núi cao mà đất lại ở thấp, thật đúng là kẻ biết khiêm nhường. Đất chẳng tranh cao như núi, biết hạ mình ở chân. Tuy ở chân hạ mình nhưng núi cũng từ đất mà ra. Trải qua năm tháng, Dịch là Biến Dịch, với bao lần vật đổi sao dời, chẳng chóng thì chày đất đỡ chân núi ngày nào nay chính là đỉnh núi. Người thầy ngày nay nào phải ai khác, cũng từng là đất ở chân núi ngày xưa đó thôi. Thế nên Khiêm mà chẳng mất gì cả, lại được khen nữa vậy.
Ví như đạo của người học trò, khi đối xử với người thầy, điều quan trọng nhất là phải khiêm hạ.
Vì sao ? Khiêm hạ đồng nghĩa tôn trọng. Ngược lại với khiêm là ngạo mạn, xem thường. Kẻ ngạo mạn ắt chẳng chịu nghe lời. Không chịu nghe lời tức chẳng chịu phân biệt Đúng-Sai. Không phân biệt đúng-sai ắt cũng chẳng nhận ra ai là thầy. Chẳng nhận ra thầy thì còn học ai và ở đâu được nữa.
Đến đây ta chợt nhớ truyện Tây Du Ký, Mỹ Hầu Vương kiêu căng, ỷ mình có võ nghệ, phép thuật, tự xưng là "Đại thánh ngang trời", coi trời bằng vung, đối mặt với Phật cũng chẳng khiêm nhường, tự cho mình có thể bay khỏi bàn tay Phật nên sau cùng bị "bùa" đè dưới núi Ngũ hành 500 năm.
Thực ra nào có phải Phật xài bùa chú gì đâu ?! Còn ông Phật chẳng phải ông Phật, lá bùa cũng chẳng phải là bùa gì cả, cái câu "Án ma ni bát di hồng" ghi trong ấy cũng chỉ là bức tranh nhiều màu cho câu chuyện thêm vui. Đó chẳng qua chính là khi anh ngạo mạn, anh chẳng cần biết tới ai, kể cả chính Phật tánh chân chính trong tâm - vốn là người thầy chân chính nhất - anh cũng xem thường. Đi tiểu vào chính Phật tánh của mình thì anh còn tôn trọng, khiêm hạ với ai nữa chứ ? Nguyên lý của Dịch là hễ thái quá thì bất cập, nên sau cùng Quả cho ngạo mạn là phải bị đè bẹp.
500 năm chẳng phải là 500 năm. Đó chẳng qua chỉ là con số mô tả thời gian dài đằng đẳng để thấy rằng khi kiêu căng, anh chẳng nghe lời thì sẽ phải mất nhiều thời gian nữa mới hiểu được chân lý. 500 năm nằm không một chỗ, chẳng học thêm được tích sự gì, chẳng thầy lành bạn tốt nào tới cùng trao đổi. Cái giá cho sự ngạo mạn của Tề Thiên Đại Thánh thật đắt đỏ.
Kinh Dịch có 64 quẻ. Mỗi quẻ có 6 hào. Mỗi hào nói lên 64 sự việc. Mỗi sự việc có 64 tình huống. Mỗi tình huống ở mỗi hào có sự liên hệ mật thiết với các tình
huống khác ở hào đó và với các hào còn lại. Tổng cộng 1 quẻ có lượng thông tin là 24.576 tình huống. Như vậy 64 quẻ Kinh Dịch chứa đựng 1.572.864 tình huống.
Chỉ một chữ "Khiêm" thôi mà đã có vô vàn chuyện để nói. Không biết bao giờ mới nói hết chuyện. Thôi, giờ ly cafe đã cạn, ta nói nhiêu đây. Hôm khác hữu duyên lại tiếp.
-dongquangus-
Đừng nghĩ lời tôi nói sẽ được tất cả chấp nhận. Dăm ba người gật gù là đủ rồi.