Khi có việc cần tư vấn quyết định gấp hãy gọi/sms ngay số 083 313 9692 - 0948 831 3060 hoặc e-mail về dongquangus@gmail.com để được ưu tiên tư vấn nhanh!

Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2014

Bát Thuần Càn

01. Quẻ BÁT THUẦN CÀN 
– Nội quái, ngọai quái đều là Càn.
: , , , . 
Càn: Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh.

Que Can

KINH THƯỢNG

(Gồm 30 quẻ đầu)

1. QUẺ THUẦN CÀN (càn qián): Trời (thiên ). Đức cương kiện, tự cường. Các thời của một đại nhân muốn lập sự nghiệp (Tháng tư).

; nội quái (ở dưới) và ngoại quái  (ở trên) đều là Càn

Thoán từ:

:    元   亨   利  貞

Càn:     Nguyên,   hanh,      lợi,      trinh.

Dịch: Càn (có bốn đức - đặc tính): đầu tiên và lớn, hanh thông, thích đáng, chính và bền.

Giảng: Văn Vương cho rằng bói được quẻ này thì tốt, hanh thông, có lợi và tất giữ vững được cho tới lúc cuối cùng.

Về sau, tác giả Thoán truyện (tương truyền là Khổng tử, nhưng không chắc), cho quẻ này một ý nghĩa về vũ trụ, Càn gồm sáu hào đều là dương cả, có nghĩa rất cương kiện, tượng trưng cho trời. 

Trời có đức “ nguyên” vì là nguồn gốc của vạn vật; có đức “hanh” vì làm ra mây, mưa để cho vạn vật sinh trưởng đến vô cùng, có đức “lợi” và “trinh” vì biến hóa, khiến cho vật gì cũng giữ được bẩm tính được nguyên khí cho thái hòa (cực hòa). 

Bậc thánh nhân đứng đầu muôn vật, theo đạo Càn thì thiên hạ bình an vô sự. 

Tác giả Văn Ngôn truyện cho quẻ này thêm một ý nghĩa nữa về nhân sinh, đạo đức. Càn tượng trưng cho người quân tử. Người quân tử có bốn đức. 

Nhân, đức lớn nhất, gốc của lòng người , tức như đức “nguyên” của trời. 

Lễ, là hợp với đạo lý, hợp với đạo lý thì hanh thông, cho nên lễ tức như đức “hanh” của trời. 

Nghĩa, đức này làm cho mọi người được vui vẻ sung sướng, tức như đức “lợi” của trời. 

Trí, là sáng suốt, biết rõ thị phị, có biết thị phi mới làm được mọi việc cho nên nó là đức cốt cán, cũng như đức “trinh” chính và bền – của trời. 

Nguyên, hanh, lợi, trinh mà giảng thành nhân, lễ, nghĩa, trí, (bốn đức chính của đạo Nho) thì rõ là chịu ảnh hưởng nặng của Nho gia mà ý nghĩa và công dụng của Dịch đã thay đổi khá nhiều rồi. 

Hào từ:

Từ đây trở xuống là Hào từ, lời Chu Công đoán về mỗi hào.

1. 初 九: 潛 龍 勿 用 
     
Sơ   cửu:  Tiềm long  vật  dụng.

Dịch : Hào 1, dương: Rồng còn ẩn náu, chưa (đem tài ra) dùng được. 

Giảng: Người Trung Hoa cho con rồng là thần vật, rất biến hóa, lúc ẩn lúc hiện, mà lại thuộc về loài dương, cho nên Chu Công dùng nó để cho ta dễ thấy ý nghĩa các hào  đều là dương cả - trong quẻ Càn. 

Hào 1, ở dưới thấp nhất, cho nên ví nó với con rồng còn nấp ở dưới vực sâu, chưa thể làm mây biến hóa được, còn phải đợi thời. Ý nghĩa rất rõ, Tiểu tượng truyện không giảng gì thêm. Còn Văn Ngôn truyện thì bàn rộng ra về cách xử sự của bậc thánh nhân, người quân tử: chưa gặp thời thì nên tu đức, luyện tài, không vì thế tục mà đổi chí, không cầu danh, ở ẩn, không ai biết mình cũng không buồn, không gì lay chuyển được chí của mình.

2  九 二: 見 龍 在 田利 見 大 人 

     Cửu nhị:   Hiện  long  tại   điền,    lợi   kiến  đại   nhân.

Dịch: Hào 2, dương: Rồng đã hiện ở cánh đồng, ra mắt đại nhân thì lợi. 

Giảng: hào 2 là dương, ở giữa nội quái là đắc trung, như vậy là gặp thời, tài đức giúp ích cho đời được: lại thêm hào ứng với nó là hào 5, cũng là dương, cũng đắc trung (vì ở giữa ngoại quái); cho nên hào 2 có thế ví với con rồng đã rời vực mà hiện lên cánh đồng; mà cũng như người có tài đức gặp thời, nên người đồng tâm đồng đức với mình mà làm việc (lợi kiến đại nhân). 

Văn ngôn: khuyên người có tài đức gặp thời này nên giữ đức tín, đức thận trọng trong ngôn, hành, tránh tà bậy, giữ lòng thành, giúp đời mà không khoe công, như vậy là giữ được đức trung chính của hào 2.

3. 九 三: 君 子 終 日 乾 乾,

    Cửu  tam: Quân   tử  chung nhật  càn   càn,

        夕 惕 若. , 无 咎

                      tịch   dịch nhược. Lệ,     vô   cữu.

Dịch: Hào 3, dương: Người quân tử mỗi ngày hăng hái tự cường, đến tối vẫn còn thận trọng như lo sợ. Nguy hiểm, nhưng không tội lỗi. 

Giảng: Hào 3 là dương lại ở vị ngôi dương, như vậy là rất cương, mà không đắc trung. Hơn nữa, nó ở trên cùng nội quái mà chưa tiến lên ngoại quái, nghĩa là ở một chỗ chông chênh, rất khó xử, cho nên bảo là nguy hiểm (lệ). Nhưng nó vẫn là quân tử, có đức tự cường không ngừng, rất thận trọng, lúc nào cũng như lo sợ, cho nên tuy gặp thời nguy mà cũng không đến nỗi tội lỗi. 

Văn ngôn bàn thêm: người quân tử giữ trung tín để tiến đức; sửa lời nói (lập ngôn) vững lòng thành để lập sự nghiệp... nhờ vậy mà thấu được đạo lý, giữ được điều nghĩa làm được sự nghiệp tới cùng, ở địa vị cao mà không kiêu, địa vị thấp mà không lo (coi toàn văn ở phần I, Chương II ... ). Lời khuyên đó cũng tựa như lời khuyên ở hào 2.

4. 九 四: 或 躍, 在 淵, 无 咎. 

   Cửu   tứ:   Hoặc dược,   tại    uyên,   vô   cữu.

Dịch: Hào 4, dương: Như con rồng có khi bay nhảy, có khi nằm trong vực (biết tùy thời như thế thì) không lầm lỗi. 

(Có người dịch là như con rồng có khi bay nhảy trên vực sâu, không lầm lỗi). 

Giảng: Hào 4 là dương ở vị (ngôi) âm, như vậy là bất chính và bất trung; nó lại cũng như hào 3 ở địa vị chông chênh, mới rời nội quái tiến lên ngoại quái, tiến chưa chắc đã tốt mà thoái thì dở dang. Cho nên phải thận trọng xem xét thời cơ, nên tiến thì tiến (như con rồng bay nhảy) nếu không thì chờ thời (con rồng nằm trong vực), cho nên Chu Công dùng chữ “hoặc”: không nhất định. 

Tuy bất chính, bất trung như nó có chất cương kiện (hào dương trong quẻ Càn) nên cũng như hào 3 là bậc quân tử, biết giữ tư cách, biết tùy thời, và rốt cuộc không có lỗi. 

Hào này chỉ khác hào 3 ở chỗ nó có thể tiến được, còn hào 3 chưa thể tiến được. 

Văn ngôn không giảng gì khác, chỉ khuyên người quân tử tiến đức tu nghiệp, chuẩn bị cho kịp thời để có lúc ra giúp đời.

5. 九 五: 飛 龍 在 天,    . 

    Cửu ngũ:    Phi   long  tại   thiên,   lợi    kiến   đại   nhân.

Dịch: Hào 5, dương: Rồng bay trên trời, ra mắt kẻ đại nhân thì lợi. 

Giảng : Hào 5 là dương ở vị (ngôi) dương cao nhất trong quẻ lại đắc trung (ở giữa ngoại quái), như vậy là có đủ những điều tốt, vừa cao quí vừa chính trung. Nó lại được hào 2 ở dưới ứng với nó, mà hào 2 cũng cương kiện, đắc trung như nó. Nó là hào tốt nhất trong quẻ , cho nên ví nó với con rồng bay trên trời, và ngôi của nó là ngôi chí tôn (ngôi vua). 

Chữ đại nhân (người có tài đức) trỏ cả hào 5 lẫn hào 2: hai đại nhân ở hai hào đó nên gặp nhau, hợp lực với nhau thì có lợi. 

Văn ngôn giảng thêm rất rõ và hay về bốn chữ lợi kiến đại nhân: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu; nước chảy xuống thấp, lửa bén tới chỗ khô; mây bay theo rồng, gió bay theo cọp, thánh nhân xuất hiện mà vạn vật đều trông vào (…) Mọi vật đều theo loài của nó” (Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu; thủy lưu thấp, hỏa tựu táo, vân tòng long, phong tòng hổ, thánh nhân tác nhi vạn vật đổ (…) các tùy kỳ loại dã).

6. 上 九:    龍 有 悔. 

Thượng cửu: Kháng long  hữu  hối.

Dịch: Hào trên cùng, dương: Rồng lên cao quá, có hối hận. 

Giảng: Hào dương này ở trên cao của quẻ, cương kiện đến cùng rồi, như con rồng bay lên cao quá, không xuống được nữa, nếu vẫn còn hành động thì sẽ có điều đáng tiếc, vì lẽ thịnh quá thì tất suy, đầy thì không được lâu, (doanh bất khả cửu). 

Văn ngôn: giảng thêm: Hào 5 địa vị rất quí (vì ở trên cao hơn hết) nhưng không có ngôi, cao mà không có dân (vì hào 5 là vua mới có dân), các người hiền ở dưới mình mà không giúp đỡ mình (vì hào 3 tuy ứng với hào 6 nhưng lại ở nội quái, mà giữa hào 3 và hào 6 có hào 5 là vua làm chủ hào 3 rồi) cho nên hào 6 mà hoạt động thì tất có điều phải ăn năn. (Lời giảng trong Văn ngôn, tác giả Hệ Từ truyện dẫn lại trong thiên thượng, Chương VIII, Tiết 9). 

Tóm lại thời của hào này là thời không nên họat động gì cả, sớm rút lui đi thì còn giữ được tư cách người quân tử.

7. 用 九: 見 群 龍 無 首, 

    Dụng cửu:  Kiến quần  long  vô   thủ,  cát.

Dịch: (nghĩa từng chữ) Dùng hào dương: thấy bầy rồng không có đầu, tốt. 

Chú thích: Chu Hi giảng: Gặp quẻ Càn này mà sáu hào (dương) đều biến (ra âm) cả, tức là cương mà biến ra nhu, thì tốt. Thánh nhân dùng cái tượng bầy rồng (sáu hào dương) mà không đầu (tức là nhu) để diễn ý đó. 

J. Legge, R. Wilhem đều hiểu theo Chu Hi mà không giảng gì thêm. Duy Phan Bội Châu đưa thêm ý kiến riêng, đại ý bảo “Dụng cửu” không phải là một hào, nhưng theo hào từ của Chu Công thì cũng giả thiết là một hào. “Quần long vô thủ” là sáu hào dương đều biến cả. Con rồng hoạt động khác thường là cốt ở cái đầu. Sáu hào dương đã biến (ra âm) hết thì không còn hình tích hoạt động nữa, cho nên gọi là rồng không đầu. 

Nhưng cụ cũng nhận rằng đó chỉ là mặt chữ mà giải thích nghĩa đen thôi, chứ cái “ý thâm diệu của thánh nhân thì sâu xa huyền bí quá”. Nghĩa là lời kinh tối nghĩa quá, cụ không hiểu nổi. 

- Cao Hanh hiểu khác, bảo “bầy rồng không đầu, nghĩa là bầy rồng đã bay lên trời, đầu bị mây che, nên chỉ thấy mình và đuôi. Đó là cái tượng rồng cưỡi mây lên trời, tốt”. 

Cách giảng đó dễ hiểu, nhưng hai chữ “dụng cửu” có nghĩa gì đây, phải là một “hào” mới không, thì ông không cho biết. Cứ theo cách ông giảng “dụng lục” của quẻ Khôn – coi quẻ sau – cho “dụng lục” là một hào, thì chắc ông cũng cho “dụng cửu” của quẻ Càn là một hào. Nếu vậy thì “hào” này ra sao? Có phải là cả sáu hào của quẻ đều từ dương biến ra âm, như Chu Hi giảng không?

- Tào Thăng giải nghĩa khác nữa: “Cửu” là hào dương biến; “dụng” là lợi dụng, “vô thủ” là không có đầu mối. Đạo Càn (quần long) vận hành, biến hóa kỳ diệu, vạn vật nhờ đó mà thành công, nhưng cái lý do nó không thể thấy được (vô thủ), hễ dùng nó hợp thời thì tốt. 

Vậy cơ hồ Tào không cho “dụng cửu” là một hào, mà chỉ có nghĩa là cách dùng quẻ Càn. 

- Chu Tuấn Thanh trong “Lục thập tứ quái kinh giải” – Cổ tịch xuất bản xã – đưa ra một cách giải nữa cho “Dụng cửu” là tóm lại nghĩa của sáu hào thuần dương, Thuần dương là cái đức của trời, là gốc của vạn vật không có gì ở trước nó được, ở trước nó thì xấu, theo sau nó thì tốt. Đó là ý nghĩa của hai chữ “vô thủ”. Nghĩa này theo tôi, khó chấp nhận được. 

- Nghiêm Linh Phong trong “Chu Dịch tân luận” – Chính trung thư cục – dẫn nhiều thuyết nữa. 

Thuyết của Vương An Thạch, Đô Khiết, cho câu: “Dụng cửu: Kiến quần long vô thủ, cát” không phải là một tiết riêng mà chỉ là tiếp theo tiết “Thượng cửu”. 

Thuyết của Ngô Nhân Kiệt, bảo các bản Dịch thời cổ, cho đến đời Phi Trực nhà Hán không có hai chữ “Dụng cửu”, đời sau thêm vào v.v... 

 

Tóm lại câu “Dụng cửu ...” này, tới nay vẫn còn là một bí mật, không ai hiểu rõ nghĩa, toàn là đoán phỏng. Nếu coi nó là một hào thứ bảy tức trường hợp cả 6 quẻ Càn biến một lần ra âm hết, thì trường hợp đó cả ức triệu lần chưa chắc đã xảy ra một(1), các sách bói, đoán số không khi nào dùng nó cả. Về triết lý, thì ý nghĩa của nó chẳng có gì đặc biệt, cũng chỉ là biết cương mà cũng biết nhu, hợp thời mới tốt.

 

 

 

¾¾¾¾

 (1) Muốn vậy thì dùng cách gieo 3 đồng tiền (coi cuối phần 1) phải gieo 6 lần, lần nào cũng có 3 đồng đều xấp cả: điều đó theo luật xác suất khó xảy ra lắm.


PHỤ LỤC

Dưới đây chúng tôi trích dẫn vài cách giải hào 1 quẻ Càn của một số học giả gần đây, để độc giả so sánh. 

- Chu Tuấn Thanh (sách đã dẫn) 

“Rồng có 81 cái vảy! đủ chín lần chín, cho nên dùng nó để tượng trưng hào dương. Rồng tới tiết xuân phân thì lên trời, tiết thu phân thì nấp dưới vực. Hào dương ở vị trí 1, tức là tháng giêng theo lịch nhà Chu, tháng tí. Khí dương lúc đó mới động ở suối vàng (hoàng tuyền) chưa manh nha, còn tiềm phục, như người có thánh đức ở giữa đám người ngu... cho nên chưa dùng được, tài đức chưa thi thố được.” 

- Tào Thăng (sách đã dẫn). 

“Người thời cổ thấy con rồng khéo biến hóa, cho nó là thần kỳ, dùng nó để đại biểu năng lực. Nếu lấy chữ “long” (rồng) làm chữ “năng” (lực) mà giảng thì con rồng ở dưới vực không dùng được, vì năng lực nó còn tiềm phục, chưa hiện, chưa sinh tác dụng được (...). 

Dùng cái phép của hào mà giảng thì hào 1 ở dưới hào 2, hào 2 chưa động thì hào 1 không thể động trước. Hào 1 biến động quẻ Càn này thành quẻ Cấu (trên là Thiên, dưới là Phong) thì cũng chỉ là mới gặp “ở âm” (?) mà thôi, cho nên bảo là rồng còn ẩn náu, chứa dùng được (Cấu có nghĩa là gặp). 

- Cao hanh (sách đã dẫn). Tôi chỉ trích câu cuối: 

“Con rồng còn ẩn ở dưới vực mà không hiện, có cái “tượng” tĩnh mà không động. Bói được quẻ này thì không nên thi hành. 

Chúng tôi không biết các học giả Trung Hoa gần đây còn những cách giảng nào mới mẻ hơn không, chứ ba cách trên không kỹ gì hơn cách của người xưa, mà cũng chẳng phát huy thêm được gì.


- Nguyễn Hiến Lê -

* Bản này có sự góp ý điều chỉnh của Thầy Tăng Văn Y (Lục Nam, Bắc Giang), có bổ sung các chỗ còn thiếu về chữ Hán, "đối chiếu với bản NXB Văn học 1994 có in chữ chép tay của cụ, đối chiếu với Từ điển Hán Việt trên mạng, đánh thêm một số phần,..." 

Trân trọng cảm ơn sự đóng góp quý báu này của Thầy !


Bài liên quan:






Sơn Hỏa Bí

22. QUẺ SƠN HỎA BÍ
Trên là Cấn (núi), dưới là Ly (lửa)

Đám đông, hợp lại với nhau thì phải có trật tự, uy nghi, có văn vẻ, cho nên tiếp theo quẻ Phệ Hạp là quẻ Bí là văn vẻ, rực rỡ, sáng sủa trang sức.

Thoán từ:
: , 小利, 有攸往.
Bí: hanh, tiểu lợi, hữu du vãng.
Dịch: Trang sức văn vẻ thì hanh thông; làm việc gì mà chỉ nhờ ở trang sức thì lợi bé nhỏ mà thôi.
Giảng: Trên là núi, dưới là lửa; lửa chiếu sáng mọi vật ở trên núi, như vậy làm cho núi đẹp lên, trang sức cho núi.
Còn một cách giảng nữa: trong nội quái (vốn là quẻ đơn Càn) hào 2, âm, vốn ở quẻ đơn Khôn, thay vào hào 2 dương của quẻ đơn Càn, thành quẻ đơn Ly, như vậy là tô điểm cho quẻ đơn Càn. Trong ngoại quái (vốn là quẻ đơn Khôn) hào trên cùng vốn ở quẻ đơn Càn, lại thay hào trên cùng của quẻ đơn khôn, thành quẻ đơn Cấn.
Nói cách khác, vắn tắt mà không sai mấy thì nội quái có một hào âm trang sức cho hai hào dương , còn ngoại quái có một hào dương trang sức cho hai hào âm, vì vậy mà gọi là quẻ Bí: trang sức.
Vật gì cũng vậy: có chất, tinh thần; mà lại thêm văn, hình thức, thì tốt (hanh thông), nhưng nếu chỉ nhờ ở trang sức mà thành công thì lợi ít thôi.
Thoán truyện bàn rộng thêm: âm nhu và dương cương giao với nhau, thay đổi lẫn nhau (tức hào 2 và hào trên cùng như trên mới giảng). Ðó là cái văn vẻ tự nhiên (thiên văn) của trời; còn cái văn vẻ nhân tạo (nhân văn) thì nên hạn chế (quẻ Cấn ở trên có nghĩa là ngăn, hạn chế), vì tuy nó có công giáo hóa thiên hạ, nhưng nhiều quá thì văn thắng chất, xấu.
Đại tượng truyện còn khuyên: Việc chính trị nhỏ thì dùng trang sức được; còn việc quan trọng như phán đoán hình ngục thì đừng nên quả quyết, tô điểm thêm.

Hào từ.
1.
初九: 賁其趾, 舍車而徒.
Sơ cửu: Bí kì chỉ, xả xa nhi đồ.
 Dịch: Hào 1, dương, Trang sức, trau giồi ngón chân (địa vị thấp) của mình; bỏ cách sung sướng là ngồi xe mà nên đi bộ (chịu khó nhọc).
 Giảng: Hào này dương cương, ở cuối cùng nội quái Ly, tức như người có đức sáng suốt mà ở địa vị thấp nhất. Chỉ nên trau giồi phẩm hạnh của mình trong địa vị đó (ví như ngón chân, bộ phận thấp nhất trong thân thể), mà an bần, chịu đi bộ chứ đừng ngồi xe.

2.
六二: 賁其須.
Lục nhị: Bí kì tu.
 Dịch: Hào 2, âm: trang sức bộ râu.
Giảng: Chữ tu ở đây nghĩa là râu, cũng như chữ tu : 
 Hào này làm chủ nội quái ly, có công dụng trang sức cho quẻ Ly, đặc biết là cho hào 3 dương ở trên nó, cho nên ví nó như bộ râu trang sức cho cái cằm (hào 3). Nó phải phụ vào hào 3 mà hành động. Hào 3 có tốt thì tác động của hào 2 mới tốt, cũng như phải có cài cằm đẹp thì để râu mới thêm đẹp, nếu cằm xấu thì để râu càng thêm khó coi. Nói rộng ra thì bản chất phải tốt, xứng với sự trang sức; chất và văn phải xứng nhau.

3.
九三: 賁如濡如, 永貞吉.
Cửu tam: Bí như, nhu như,vĩnh trinh cát.
Dịch: Hào 3, dương: Trang sức mà đằm thắm, hễ giữ vững chính đạo thì tốt.
 Giảng: Hào này dương cương, đắc chính, lại ở trên cùng nội quái ly, có cái nghĩa rất văn minh; tượng trưng người có tài trang sức cho hai hào âm ở trên và dưới nó, tính rất đằm thắm với hai hào âm (có người dịch “nhu như” là trang sức một cách nhuần nhã, thấm nhuần). Vì vậy mà nên coi chừng, đừng say mê vì tư tình, mà phải bền giữ chính đạo thì mới tốt, không bị người xâm lấn (mạc chi lăng dã: Tiểu tượng truyện).

4.
六四: 賁如皤如, 白馬翰如, 匪寇, 婚媾.
Lục tứ: Bí như, bà (có người đọc là ba) như, bạch mã hàn như, phỉ khấu, hôn cấu.
 Dịch: hào 4 âm: Muốn trang sức cho nhau (nhưng không được) nên chỉ thấy trắng toát. Hào 4 như cưỡi ngựa trắng mà chạy như bay (đuổi kịp hào 1), rốt cuộc cưới nhau được vì kẻ gián cách hai bên (hào 3) không phải kẻ cướp (người xấu).
 Giảng: hào 4 âm nhu, ứng với hào 1 dương cương, cả hai đều đắc chính ,tình ý hợp nhau, muốn trang sức cho nhau, nhưng bị hào 3 ở giữa ngăn cách, nên không trang sức cho nhau được, chỉ thấy trắng toát (trắng nghĩa là không có màu, không trang sức). Mặc dầu bị 3 cản trở, 4 vẫn cố đuổi theo 1, rốt cuộc 3 vốn cương chính, không phải là xấu, không muốn làm hại 4 và 1, cặp này kết hôn với nhau được.

5.
六五: 賁于丘園, 束帛戔戔, , 終吉.
Lục ngũ: bí vu khâu viên, thúc bạch tiên tiên, lận, chung cát.
Dịch : Hào 5, âm: Trang sức ở gò vườn, mà dùng tấm lụa nhỏ, mỏng, tuy là bủn xỉn, đáng chê cười đấy, nhưng rốt cuộc được tốt lành.
 Giảng: Hào 5, âm nhu, đắc trung, làm chủ quẻ Bí; vì là âm nhu nên có tính quá tằn tiện, lo trang sứccái gì hữu dụng như vườn tược thôi, mà lại chỉ dùng tấm lụa nhỏ, mỏng cho đỡ tốn, cho nên bị cười chê, nhưng như vậy còn hơn là xa hoa, mà biết trọng cái gốc làsự chất phác, cho nên cuối cùng vẫn được tốt lành, có hạnh phúc cho dân (hữu hỉ dã: lời Tiểu tượng truyện.)

6.
上九: 白賁, 无咎.
Thượng cửu: Bạch bí, vô cữu.
Dịch: Hào trên cùng, dương: lấy sự tố phác, như màu trắng (không màu mè ǵ cả) làm trang sức, không có lỗi.
Giảng: Hào này là thời cuối cùng của quẻ Bí, trang sức, màu mè đã cùng cực rồi; mà vật cực tắc phản, người ta lại trở lại sự chất phác, nên không có lỗi gì cả. Trong văn học sử, chúng ta thấy sau những thời duy mĩ quá mức, người ta lại “phục cổ”, trở lại lối văn bình dị, tự nhiên thời xưa.
  
*  
Đại ý quẻ Bí này là có văn vẻ, có trang sức mới là văn minh, nhưng vẫn nên trọng chất hơn văn, lấy chất làm thể, lấy văn làm dụng, và không nên xa hoa, màu mè quá. 

- Nguyễn Hiến Lê -


Thiên Địa Bĩ

12. QUẺ THIÊN ĐỊA BĨ (Phủ)
Trên là Càn (trời) dưới là Khôn (đất)
 Thiên Địa Bĩ

12. QUẺ THIÊN ĐỊA BĨ (bĩ pỉ): (Tháng bảy). Thời bế tắc trái với quẻ Thái. Nên ở ẩn, đừng làm gì cả.

; trên là Càn (trời), dưới là Khôn (đất).

Trong vũ trụ không có gì là thông hoài được, hết thông thì tới bế tắc, cùng, cho nên sau quẻ Thái tới quẻ Bĩ.

Thoán từ:

之 匪 ,   君 子 ,  大 往 小 來

Bĩ    chi    phỉ  nhân,  bất   lợi   quân  tử    trinh,  đại  vãng tiểu   lai. 

Dịch: Bĩ không phải đạo người (phi nhân nghĩa như phi nhân đạo), vì nó không  lợi cho đạo chính của quân tử (Tượng của nó là) cái lớn (dương) đi  mà cái nhỏ (âm) lại.

Giảng: Bĩ trái với Thái. Thái thì dương ở dưới thăng lên, giao với âm ở trên giáng xuống; bĩ thì dương ở trên đi lên, âm ở dưới đi xuống không giao nhau. Âm dương không giao nhau thì bế tắc, ở đạo người như vậy mà ở vạn vật cũng như vậy. Thời đó không lợi với đạo chính của quân tử, vì dương đi nghĩa là đạo của người quân tử tiêu lần, mà âm lại nghĩa là đạo của tiểu nhân lớn lên.

 Đại tượng truyện - Khuyên: gặp thời bĩ thì người quân tử nên thu cái đức của mình lại (đừng hành động gì cả, riêng giữ các đức của mình) để tránh tai nạn, đừng màng chút lợi danh nào cả. (Quân tử dĩ kiệm đức tị nạn, bất khả vinh dĩ lộc). Nghĩa là nên ở ẩn.

 Gặp thời Truân, thời khó khăn, gian truân, người quân tử nên tập hợp nhau lại mà hành động; còn thời đã bĩ, đã bế tắc cùng cực rồi thì hành động chỉ vô ích, cốt giữ cái đức và cái thân mình thôi.

Hào từ.

1. 初 六: 拔 茅 茹, 以 其 彙, 貞 吉 亨

      Sơ   lục:    Bạt   mao  nhự,    dĩ      kì     vị,     trinh  cát   hanh.

Dịch: Hào 1, âm: Nhổ rễ cỏ mao mà được cả đám, hễ chính thì tốt mà hanh thông.

 Giảng: Hào này rất giống hào 1 quẻ Thái: cũng “bạt mao dĩ kì vị” vì quẻ Thái hào 1 cặp với hai hào trên, quẻ này cũng vậy, cũng có đồng chí, làm việc dễ có kết quả; chỉ khác quẻ thái hào 1 là dương, quân tử, quẻ này hào 1 là âm, tiểu nhân; cho nên quẻ Thái khuyên cứ tiến lên (chính) sẽ tốt; còn quẻ này thì khuyên phải “trinh” chính đáng (trinh – khác nhau ở hai chữ chính và trinh ) thì sẽ tốt và hanh thông.

 Hào 1 quẻ Bĩ là tiểu nhân nhưng mới bước đầu, cái ác chưa hiện rõ, lại ứng hợp với hào 4 ở trên là quân tử, cho nên còn có hy vọng cải hóa được. Ðại tượng truyện bảo: nếu để tâm giúp nước (chí tại quân – quân là vua, là quốc gia) như hào 4 thì sẽ tốt. Như vậy là có ý khuyên tiểu nhân nên đứng vào phe quân tử .


2. 六 二: 包 承, 小 人 吉; 大 人 否,

     Lục  nhị:   Bao   thừa,  tiểu   nhân cát;     đại   nhân   bĩ,   hanh.

Dịch: Hào 2, âm: Tiểu nhân chịu đựng và vâng thuận người quân tử thì tốt: đại nhân (có đức lớn) nên giữ tư cách trong cảnh bế tắc (khốn cùng) thì hanh thông.

 Giảng: Hào này tuy là tiểu nhân, nhưng đắc trung đắc chính, chung quanh là tiểu nhân cả, mà ứng hợp với hào 5 quân tử ở trên, cho nên hào từ khuyên nó nên vâng thuận quân tử thì tốt. Còn kẻ đại nhân được bọn tiểu nhân vâng thuận- vì chúng muốn mua danh - thì cũng đừng theo chúng, cứ giữ khí tiết của mình trong thời khốn cùng, như vậy sẽ hanh thông.

3. 六 三: 包 羞

    Lục  tam:  Bao  tu .

Dịch: Hào 3, âm: Chứa chất sự gian tà, xấu hổ.

 Giảng: Hào này, không trung, không chính, là kẻ đứng đầu bọn tiểu nhân (vì ở trên cùng nội quái Khôn), cho nên rất xấu, đáng ghét.

4. 九 四: 有 命, 无 咎疇 離 祉

    Cửu tứ:      Hữu mệnh,  vô    cữu.   Trù    li     chỉ.

Dịch : Hào 4 dương : có mệnh trời (tức như thời vận đã tới) thì không lỗi mà bạn của mình cũng nhờ cậy mình mà được hưởng phúc.

 Giảng: Hào này ở quá nửa quẻ Bĩ, có mòi sắp hết bĩ rồi, cho nên nói là thời vận đã tới; nó là dương ở trong ngoại quái Càn, chính là người quân tử thực hiện được chí của mình. Bạn của nó, tức hai hào 5, 6 cùng là dương cả - cũng sẽ được hưởng phúc.

5. 九 五: 休 否, 大 人 吉

    Cửu  ngũ:   Hưu   bĩ,    đại   nhân  cát.

        其 亡, 其 亡, 繫 于 苞 桑

                        Kì  vong,    kì    vong,    hệ   vu     bao  tang.

Dịch: Hào 5, dương: Làm cho hết bĩ, đó là đạo tốt của bậc đại nhân (tuy nhiên, phải biết lo). Có thể mất đấy, (đừng quên điều đó thì mới vững như) buộc vào một cụm dâu (cây dâu nhiều rễ, ăn sâu dưới đất, rất khó nhổ).

Giảng: Hào này có đức dương cương trung chính, lại ở vào ngôi chí tôn, trong thời Bĩ sắp hết, cho nên lời đoán là tốt. Những vẫn phải thận trọng, đừng sai sót.

 Theo Hệ từ hạ chương V thì Khổng tử đọc tới hào này, bàn thêm rằng: “Người quân tử khi yên ổn thì không nên quên rằng sẽ có thể nguy; khi vững thì không quên rằng có thể mất, khi trị thì không quên rằng sẽ có thể loạn. Nhờ vậy mà thân an nước nhà giữ vững được”.

6. 上 九:   傾 否, 先 否, 後 喜

Thượng cửu: Khuynh bĩ,  tiên   bĩ,   hậu   hỉ.

Dịch: Hào trên cùng, dương: đánh đổ được cái bĩ, trước còn bĩ, sau thì mừng.

Giảng: Đây là thời cuối cùng của Bĩ mà bĩ cực thì thái lai; người quân tử có tài sẽ dắt cả bạn bè (trỏ hào 4 và 5) mà đánh đổ dược bĩ. Nhưng mới đầu còn phải lo lắng (tiên bĩ) sau mới mừng là bước lên được cảnh Thái rồi.

 Chúng ta để ý: Quẻ Thái, mới đến hào 3, còn thịnh cực mà Dịch đã khuyên phải giữ được chính đáng trong cảnh gian nan (gian trinh); còn quẻ Bĩ, khi mới tới hào 4, mới có mòi sắp hết bĩ mà Dịch đã khuyên là thời đã tới, người quân tử nên thực hiện chí của mình đi. Nghĩa là luôn luôn phải sẵn sàng để nắm ngay lấy cơ hội. 

- Nguyễn Hiến Lê -

* Bản này có sự góp ý điều chỉnh của thầy Tăng Văn Y (Lục Nam, Bắc Giang), thầy Y có bổ sung các chỗ còn thiếu về chữ Hán, "đối chiếu với bản NXB Văn học 1994 có in chữ chép tay của cụ, đối chiếu với Từ điển Hán Việt trên mạng, đánh thêm một số phần,..." 


Thủy Thiên Nhu

5.THỦY THIÊN NHU
Trên là Khảm (nước), dưới là Càn (trời)
Thủy Thiên Nhu
 

5. QUẺ THUỶ THIÊN NHU (nhu ): Thời chờ đợi. Đừng nóng nảy. Nên giữ đạo chính.

; trên là  Khảm (nước), dưới là  Càn (trời).

Chữ Nhu này  là chữ nhu trong “nhu yếu phẩm”, những thứ cần thiết, tức thức ăn. Tự quái truyện giảng như vậy.

 Nhưng Thoán từ thì lại giải thích khác: Nhu đây còn có nghĩa nữa là chờ đợi, và theo cái tượng của quẻ thì phải hiểu là chờ đợi.

Thoán từ:

:      

Nhu: Hữu phu, quang hanh, trinh, cát.    Lợi thiệp đại xuyên.

Dịch: Chờ đợi: có lòng thành thực tin tưởng, sáng sủa, hanh thông, giữ vững điều chính thì tốt. Dù gặp việc hiểm như qua sông sẽ thành công.

Giảng: Nội quái là Càn, cương kiện, muốn tiến lên nhưng gặp ngoại quái là Khảm (hiểm) chặn ở trên, nên phải chờ đợi.

 Hào làm chủ trong quẻ này là hào 5 dương, ở vị chí tôn (ở quẻ này nên hiểu là ngôi của trời – theo Thoán truyện) mà lại trung, chính; cho nên có cái tượng thành thực, tin tưởng, sáng sủa, hanh thông; miễn là chịu chờ đợi thì việc hiểm gì cũng vượt được mà thành công.

 Đại tượng truyện giải thích cũng đại khái như vậy: dưới là Càn, trời, trên là Khảm, mây (Khảm còn có nghĩa là mây); có cái tượng mây đã bao kín bầu trời, thế nào cũng mưa; cứ “ăn uống yến lạc” (ẩm thực yến lạc) yên vui di dưỡng thể xác và tâm chí mà đợi lúc mưa đổ. 


Hào từ:

1. 初 九: 需 于 郊, 利 用 恆, 无 咎.

     Sơ  cửu:    Nhu  vu    giao,    lợi  dụng  hằng,   vô   cữu.

Dịch: Hào 1, dương: đợi ở chỗ đất xa ngoài thành, nên giữ đức “hằng” (kiên định không thay đổi) thì không có lỗi.

Giảng: Hào 1 là dương, cương kiện, sáng suốt mà ở xa ngoại quái là Khảm, tức xa nước, xa chỗ hiểm (cũng như còn ở ngoài thành, không gần sông nước), đừng nóng nảy xông vào chỗ hiểm nạn, cứ chịu chờ đợi thì không có lỗi. Chu Công khuyên như vậy vì hào dương này không đắc trung mà có ý muốn tiến. 

2. 九 二: 需 于 沙, 小 有 言, 終 吉

   Cửu    nhị:   Nhu   vu     sa,    tiểu   hữu  ngôn, chung cát.

Dịch: Hào 2, dương: Đợi ở bãi cát, tuy có khẩu thiệt một chút, nhưng sau sẽ tốt.

 Giảng: Hào này đã gần quẻ Khảm hơn, ví như đã tới bãi cát ở gần sông, chưa tới nỗi sụp hiểm; mà hào lại đắc trung, cho nên tuy là dương cương mà biết khôn khéo, ung dung, không nóng nảy như hào 1, cho nên dù có điều tiếng nho nhỏ, rốt cuộc cũng vẫn tốt. 

3. 九 三: 需 于 泥致 寇 至

   Cửu  tam:    Nhu  vu     nê,    trí     khấu  chí.

Dịch: Hào 3, dương: Đợi ở chỗ bùn lầy, như tự mình vời giặc đến.

Giảng: Hào này đã ở sát quẻ Khảm, tuy chưa sụp xuống nước, nhưng đã ở chỗ bùn lầy rồi; thể của nó là dương cương, vị của nó cũng là dương, mà lại không đắc trung, có cái “tượng” rất táo bạo nóng nảy, làm càn, tức như tự nó vời giặc đến, tự gây tai họa cho nó. Nếu nó biết kính cẩn, thận trọng thì chưa đến nỗi nào, vì tai họa vẫn còn ở ngoài (ở ngoại quái) (theo Tiểu tượng truyện). 

4. 六 四: 需 于 血, 出 自 穴

    Lục    tứ:    Nhu   vu   huyết,  xuất  tự   huyệt.

Dịch: Hào 4, âm: Như đã chờ đợi ở chỗ lưu huyết mà rồi ra khỏi được.

Giảng: hào này đã bắt đầu vào quẻ Khảm, tức chỗ hiểm (như vào chỗ giết hại), nhưng nhờ nó là âm, nhu thuận lại đắc chính (ở vị âm), nên tránh được họa. 

5. 九 五: 需 于 酒 食, 貞 吉

   Cửu   ngũ:  Nhu   vu     tửu  thực,   trinh cát.

Dịch: Hào 5, dương: Chờ đợi ở chỗ ăn uống no say (chỗ yên vui), bền giữ đức trung chính thì tốt.

Giảng: Hào 5, địa vị tôn quí, mà là dương cương trung chính, cho nên tốt, nhưng muốn hạnh phúc được bền thì phải giữ đức trung chính.

6.上 六: 入 于 穴, 有 不 速 

Thượng lục: Nhập vu    huyệt,  hữu  bất   tốc

        之 客 三 人 來, 敬 之, 終 吉

                       chi  khách tam  nhân  lai,    kính  chi,   chung cát.

Dịch: Hào trên cùng, âm: Vào chỗ cực hiểm rồi, nhưng có ba người khách thủng thẳng tới, biết kính trọng họ thì sau đựơc tốt lành.

Giảng: Hào này ở trên cùng ngoại quái là Khảm, cho nên bảo là chỗ cực hiểm. Nó có hào 3 ở dưới ứng với nó, hào 3 là dương, kéo theo cả hào 1 và 2 cũng là dương, cho nên nói là có 3 người khách sẽ tới; họ không tới ngay được vì họ ở xa hào 6, cho nên nói là họ thủng thẳng sẽ tới.

Hào 6 âm, có đức Khiêm, nhu thuận, biết trọng và nghe theo ba vị khách đó, cho nên cuối cùng sẽ được họ cứu ra khỏi chỗ hiểm mà được tốt lành.

Tiểu tượng truyện: bàn thêm: Tuy hào 6 không xứng vị (bất đáng vị), nhưng không đến nỗi thất bại lớn.

Chu Hi hiểu chữ “vị” đó , là ngôi chẵn (âm vị) ; hào âm ở âm vị, là “đáng” chứ sao lại “bất đáng”, cho nên ông bảo là :”chưa hiểu rõ” (vị tường).

 Phan Bội Châu hiểu chữ “vị” là ngôi cao hay thấp; hào 6 ở trên cùng, tức là ngôi cao nhất, mà là âm nhu, bất tài, cho nên bảo “bất đáng” là phải .

*

Quẻ này chỉ cho ta cách xử thế khi chờ đợi, tùy họa ở gần hay ở xa, cốt nhất là đừng nóng nảy, mà phải giữ trung chính. Chúng ta để ý: hào 5 ở giữa quẻ Khảm, tức giữa cơn nguy hiểm mà Chu Công vẫn cho là tốt chỉ vì hào đó cương mà trung chính, nghĩa là cương một cách vừa phải, sáng suốt, chính đáng. 

-Nguyễn Hiến Lê -

* Bản này được thầy Tăng Văn Y (Lục Nam, Bắc Giang) góp ý điều chỉnh, có bổ sung các chỗ còn thiếu về chữ Hán, "đối chiếu với bản NXB Văn học 1994 có in chữ chép tay của cụ, đối chiếu với Từ điển Hán Việt trên mạng, đánh thêm một số phần,..."