Khi có việc cần tư vấn quyết định gấp hãy gọi/sms ngay số 083 313 9692 - 0948 831 3060 hoặc e-mail về dongquangus@gmail.com để được ưu tiên tư vấn nhanh!

Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2014

Sơn Thiên Đại Súc

26. QUẺ SƠN THIÊN ĐẠI SÚC
Trên là Cấn (núi), dưới là Càn (trời)
Sơn Thiên đại súc
Mình không có càn bậy (Vô vọng) rồi bản thân mới có thể chứa được nhiều tài, đức, hoài bão, nên sau quẻ vô vọng, tới quẻ Đại súc. Chữ súc trong quẻ này cũng là chữ súc trong quẻ Phong thiên tiểu súc, có ba nghĩa: Nhóm chứa, nuôi nấng, ngăn lại. Thoán từ dùng theo nghĩa chứa (súc tích, uẩn súc), mà Hào từ dùng với nghĩa ngăn lại.

Thoán từ:
大畜: 利貞, 不家食,; 涉大川.
Đại súc: Lợi trinh, bất gia thực, cát; lợi thiệp đại xuyên.
Dịch: Chứa lớn: Chính đáng (theo chính đạo) thì lợi. Không phải ăn cơm nhà (tức được hưởng lộc của vua), tốt; vượt qua sông lớn (làm việc khó khăn, gian nguy để giúp nước) thì lợi.
Giảng: Trên là núi, dưới là trời, núi mà chứa được trời thì sức chứa của nó thật lớn, cho nên gọi là Đại súc. Nói về bậc quân tử thì phải “chứa” tài đức, nghĩa là tu luyện cho tài đức uẩn súc; trước hết phải cương kiện như quẻ Càn, phải rất thành thực, rực rỡ (có văn vẻ) như quẻ Cấn, mà những đức đó phải mỗi ngày một mới, nhật tân kì đức (Thoán truyện); phải biết cho đến nơi đến chốn, làm cho đến nơi đến chốn, đủ cả tri lẫn hành (đại tượng truyện).
 Người nào “uẩn súc” được như vậy thì được quốc gia nuôi, và khi xã hội gặp gian truân thì cứu được (vượt qua sông lớn), vì ứng với trời (như hào 5 ở vị cao ứng với hào 2 trong quẻ Càn là trời).

Hào từ:
1.
初九.有厲.利已.
Sơ cửu: Hữu lệ, lợi dĩ.
Dịch: Hào 1, dương : có nguy, ngưng lại thì lợi.
Giảng: Hào này cương kiện, muốn tiến lên nhưng bị hào 4, âm ở trên chặn lại (trong các hào, súc có nghĩa là ngăn chứ không có nghĩa là chứa), nếu cố tiến thì nguy, ngưng lại thì tốt.

2.
九二: 輿說輹.
Cửu nhị: Dư thoát phúc.
Dịch: Hào 2, dương, như chiếc xe đã tháo cái trục.
Giảng: Hào này cũng bị hào 5, âm, ngăn lại như hào 1, nhưng vì đắc trung (ở giữa nội quái), nên biết tự ngăn mình (như tự tháo cái trục xe ra) để thôi không đi. Như vậy không có lỗi.

3.
九三: 良馬逐; 利艱貞.日閑輿衛, 利有攸往.
Cửu tam: Lương mã trục; lợi gian trinh,
Nhật nhàn dư vệ, lợi hữu du vãng.
Dịch: Hào 3, dương : như hai con ngựa tốt chạy đua nhau; phải chịu khó giữ đạo chính thì có lợi, lại phải thường ngày luyện tập, dự bị các đồ hộ thân thì tiến lên mới có lợi.
Giảng: Chúng ta để ý: hai hào 1, 2 đều là dương cương mà đều bị hai hào âm nhu (4 và 5) ngăn cản, vì tuy cương mà ở trong nội quái (quẻ dưới), cũng như các tướng tài năng phải phục tùng Võ Hậu, Từ Hi Thái Hậu. Không phải thời nào dương cũng thắng âm cả đâu. Tới hào 3 này, may được hào trên cùng cũng là dương, ứng với mình như một đồng chí, cho nên cả hai hăng hái như hai con ngựa tốt đua nhau chạy; nhưng hăng quá mà không nhớ rằng trên đường gặp nhiều gian nan, không luyện tập đề phòng hàng ngày thì không tiến được xa, nên Hào từ khuyên như trên.

4.
六四: 童牛之牿, 元吉.
Lục tứ: đồng ngưu chi cốc, nguyên cát.
Dịch: Hào 4, âm: như con bò mộng còn non, mới nhú sừng, đặt ngay mảnh gỗ chặn sừng nó, thì rất tốt.
Giảng: Trong quẻ Đại súc, hào âm này vẫn ngăn chặn được hào 1, dương, vì tuy nó âm nhu, nhưng hào 1 ở đầu quẻ là dương còn non, như con bò mọng mới nhú sừng, nếu kịp thời ngăn cản ngay, chặn sừng nó lại thì không tốn công mà có kết quả rất tốt. đại ý là phải đề phòng ngay từ khi họa mới có mòi phát.

5.
六五: 豶豕之牙, 吉.
Lục ngũ: Phần thỉ chi nha, cát.
Dịch: Hào 5, âm: Như thể ngăn cái nanh con heo đã thiến thì tốt.
Giảng: Hào 2 là dương đã già giặn, không non nớt như hào 1, cho nên dữ hơn 1, ví như nanh con heo (rừng). Hào 5 muốn chặn nó, mà chỉ bẻ nanh con heo thôi thì nó vẫn con hung; tốt hơn hết là thiến nó để cho nó hết dữ, lúc đó dù nó còn nanh cũng không hay cắn nữa. Hào 5, chặn được hào 2 là nhờ cách đó, trừ tận gốc, không tốn công mà kết quả tốt.

6.
上九: 何天之衢, 亨.
Thượng cửu: hà thiên chi cù, hanh.
Dịch : Hào trên cùng, dương. Sao mà thông suốt như dương trên trời vậy.
 Giảng: tới hào này là thời gian cản đã cùng rồi, hết trở ngại, đường thật rộng lớn, bát ngát như đường trên trời. Có nghĩa là đại lớn được thi hành.
  *
 Quẻ này Thoán từ nói về sự súc tích tài đức, mà Hào từ lại xét cách ngăn cản kẻ hung hãn.
 Hai hào có ý nghĩa nhất là 4 và 5: muốn ngăn thì phải ngăn từ khi mới manh nha; và muốn diệt ác thì phải diệt từ gốc, tìm nguyên nhân chính mà trừ thì mới không tốn công, kết quả chắc chắn. 

- Nguyễn Hiến Lê -




Thuần Khảm

29. QUẺ THUẦN KHẢM
Trên và dưới đều là Khảm (nước)
Quẻ khảm 
Lẽ trời không thể quá (cực đoan) được mãi, hễ quá thì sẽ phải sụp vào chỗ hiểm. Vậy sau quẻ Đại quá, tới quẻ Thuần Khảm. Khảm có nghĩa là sụp, là hiểm.

 * Thoán từ :
習坎: 有孚, 維心亨, 行有尚.
Tập Khảm: Hữu phu, duy tâm hanh, hành hữu thượng.
Dịch: Hai lớp khảm (hai lớp hiểm), có đức tin, chỉ trong lòng là hanh thông, tiến đi (hành động) thì được trọng mà có công.
Giảng: Tập Khảm có nghĩa là trùng khảm, hai lần Khảm. Nhìn hình quẻ Khảm ta thấy một hào dương bị hãm vào giữa hai hào âm, cho nên Khảm có nghĩa là hãm, là hiểm.
Ta lại thấy ở giữa đặc (nét liền), ngoài rỗng (nét đứt), trái với quẻ Ly  giữa rỗng trên dưới đặc, như cái miệng lò; chỗ rỗng đó là chỗ không khí vô để đốt cháy than, củi, cho nên Ly là lửa. Khảm trái với Ly, chỗ nào trống thì nước chảy vào; Ly là lửa thì Khảm là nước. Nguy hiểm không gì bằng nước sâu, không cẩn thận thì sụp xuống, chết đuối, nên bảo nước là hiểm.
Xét theo ý ngĩa thì hào dương ở giữa, dương là thực, thành tín, vì vậy bảo là Khảm có đức tin, chí thành (hữu phu) ở trong lòng, nhờ vậy mà hanh thông. Gặp thời hiểm , có lòng chí thành thì không bị tai nạn, hành động thì được trọng mà còn có công nữa.
Thoán truyện giảng thêm: Nước chảy hoài mà không bao giờ ứ lại (lưu nhi bất doanh) chỗ hiểm trở nào cũng tới, cho nên bảo là có đức tin.
Lòng được hanh thông vì hai hào giữa (hào 2 và 5), đã cương mà đắc trung.
Trời có tượng hiểm (vì không lên trời được) ; đất có tượng hiểm, tức núi sông. Các bậc vương công theo tượng trời và đất mà đặt ra những cái hiểm (tức đào hào, xây thành, đạt ra hình pháp) để giữ đất đai và sự trật tự trong xã hội. Cái công dụng của hiểm nếu hợp thời thì cực lớn.
Đại tượng truyện khuyên nên theo cái đức chảy hoài không ngừng của nước mà giữ bền đức hạnh mà tu tĩnh không ngày nào quên.

Hào từ:
1.
初六: 習坎, 入于坎窞, 凶.
Sơ lục: Tập khảm, nhập vu khảm năm ( có người đọc là đạm, hạm, lăm), hung.
Dịch: Hào 1, âm: Hai lần hiểm, sụp vào hố sâu, xấu.
Giảng: hào 1 đã âm nhu, lại ở dưới cùng quẻ Thuần Khảm hai lần hiểm, nên rất xấu.

2.
九二: 坎有險, 求小得.
Cửu nhị: khảm hữu hiểm, cầu tiểu đắc.
Dịch: Hào 2, dương : ở chỗ nước (hiểm) lại có hiểm, mong làm được việc nhỏ thôi.
Giảng: Hào này dương cương, đắc trung, có tài trí, nhưng ở giữa thời trùng hiểm, trên dưới bị hai hào âm nhu bao vây, chưa thóat được; cho nên chỉ mong làm đựơc việc nhỏ thôi.
Hào 4 quẻ Dư (số 6) cũng là dương ở vị âm; cũng bị hai hào âm bao vây, còn kém hào 2 quẻ Khảm vì không đắc trung,vậy mà Hào từ cho là “đại hữu đắc” (thành côn lớn); còn hào 2 quẻ Khảm này chỉ cầu được “tiểu đắc” thôi; chỉ vì thời khác; thời quẻ Dự là thời vui vẻ, hanh thông, thời quẻ Khảm là thời gian nan, nguy hiểm.

3.
六三: 來之坎坎, 險且枕, 入于坎窞, 勿用.
Lục tam : Lai chi khảm khảm, hiểm thả chẩm, nhập vu khảm năm, vật dụng.
Dịch: Hào 3, âm : tới lui (chử chi ở đây nghĩa là đi) đều bị hãm, trước mặt là hiểm mà sau lưng lại kê (dựa) vào hiểm, chỉ càng sụp vào chỗ sâu hơn thôi, chớ dùng (người ở hoàn cảnh hào 3 này, không được việc gì đâu).
Giảng: Hào này âm nhu, bất trung, bất chính, ở trên cùng quẻ nội khảm, mà tiến lên thì gặp ngoại khảm, trước mặt là khảm, sau lưng là khảm, toàn là hiểm cả, cho nên chỉ sụp vào chỗ sâu hơn thôi.

4.
六四: 樽酒簋,  用缶, 納約自牖, 終无咎.
Lục tứ: Tôn tửu quĩ, nhị dụng phẫu, nạp ước tự dũ, chung vô cữu.
Dịch: Hào 4, âm: Như thể chỉ dâng một chén rượu, một quĩ thức ăn, thêm một cái vò dựng vài thức khác nữa (không cần nhiều, hễ chí thành là được); (có thể tùy cơ ứng biến) dứt khế ước qua cửa sổ (chứ không đưa qua cửa chính), như vậy không có lỗi.
Giảng: Lời hào này gọn quá, khó hiểu. Phan Bội Châu giảng như sau: tôn là chén rượu, quĩ là đồ đựng thức ăn; nhị là thứ nhì, phó (trái với chánh) là thêm sao, phẫu là cái vò. Tôn tữu quí, nhị dụng phẫu nghĩa là rượu chỉ một chén, thức ăn chỉ một quĩ, các thức khác thêm vào chỉ dùng một cái vò cũng đủ. Ý nói không cần nhiều, miễn lòng chí thành là được. “Nạp ước tự dũ” Nghĩa là khế ước (để làm tin) đáng lẽ phải nộp qua cửa lớn, nhưng lại dứt qua cửa sổ (dũ), như vậy là không chính đại quang minh, nhưng gặp thờ ihiểm, khó khăn, có thể “bất đắc dĩ nhi dụng quyền” (quyền này không phải là quyền hành, mà là quyền biến: tùy cơ ứng biến), miễn là giữ được lòng chí thành.
Hào này như một vị đại thần, nhưng âm nhu, vô tài, không cứu đời ra khỏi cảnh hiểm được; cũng may mà đắc chính, chí thành, cứ giữ đức chí thành đó mà đối với vua, với việc nước, nếu lại có chút cơ trí, biết tòng quyền , thì rốt cuộc không có lỗi.

5.
九五: 坎不盈, 祗既平, 无咎.
Cửu ngũ: Khảm bất doanh, chỉ kì bình, vô cữu.
 Dịch : Hào 5, âm: Nước (hiểm) chưa đầy, nhưng đến lúc nước đầy rồi, lặng rồi, thì sẽ khỏi hiểm, không có lỗi.
Giảng: Hào này dương cương, có tài, đắc trung, đắc chính, ở ngôi chí tôn, mới trải qua già nữa thời Khảm, hiểm chưa hết, nước còn dâng lên nữa, đến khi nào nước đầy rồi mới bình lại, mà dắt dân ra khỏi hiểm được. Chữ Kì ở đây nghĩa là bệnh, tức hiểm nạn, trỏ chữ khảm.

 6.
上六: 係用黴纆, 寘于叢棘, 歲不得, 凶.
Thượng lục: Hệ dụng huy mặc, trí vu từng cức, tam tuế bất đắc, hung.
 Dịch: Hào trên cùng, âm: đã trói bằng dây thừng to, lại đặt vào bụi gai, ba năm không được ra , xấu.
 Giảng: Hào này âm nhu, ở trên cùng quẻ Khảm, chỗ cực kì hiểm, đã không có tài ra khỏi cảnh hiểm, lại không biết hối mà sửa mình, nên bị họa rất nặng.
 * 
Quẻ này là cái tượng quân tử bị tiểu nhân bao vây, chỉ có hai hào là tạm tốt (hào 2 và 5), còn các hào khác đều xấu. Lời khuyên quan trọng nhất gặp thời hiểm, phải giữ lòng chí thành, và biết tòng quyền. 


- Nguyễn Hiến Lê -

Lôi Sơn Tiểu Quá

62. QUẺ LÔI SƠN TIỂU QUÁ
Trên là Chấn (sấm), dưới là Cấn (núi)
Lôi sơn tiểu quá
Tin (Trung phu) mà làm ngay, không xét đều tin đó phải hay không , thì có thể mắc lầm lỗi, cho nên sau quẻ Trung phu tới quẻ Tiểu quá. Quá có hai nghĩa: lỗi; ra ngòai cái mức vừa phải thóan từ dưới đây dùng nghĩa sau.

Thoán từ:
Tiểu quá: Hanh, lợi trinh. Khả sự, bất khả đại sự.
Phi điểu di chi âm, bất nghi thượng, nghi hạ, đại cát.
Dịch: Cái nhỏ nhiều: Hanh thông hợp đạo chính thì lợi. Có thể làm việc nhỏ, không thể làm việc lớn. Con chim bay mà để tiếng kêu lại, không nên lên cao mà nên xuống thấp. Người quân tử biết được như vậy thì tốt.
Giảng: Quẻ này trái với quẻ Đại quá số 28. đại quá có 4 hào dương ở giữa, 2 hào âm ở dưới cùng và trên cùng, như vậy dương nhiều hơn âm, mà dương có nghĩa là lớn, âm là nhỏ, cho nên Đại quá có nghĩa là cái lớn (dương) nhiều hơn. Tiểu quá có 2 hào dương ở giữa, 4 hào âm ở trên và dưới, như vậy là âm – tức cái nhỏ - nhiều hơn dương tức cái lớn; cho nên đặt tên là Tiểu quá. Tiểu quá là cái nhỏ nhềiu hơn; nhưng cũng có nghĩa là quá chút ít.
Bình thường thì vừa phải là hay. Nhưng cũng có khi quá một chút lại hay, chẳng hạn trong nhà, chồng tiêu pha nhiều quá, vợ chắt bóp một chút để được trung bình; hoặc khi thiên về bên tả quá, muốn lấy lại mức trung htì lại nên thiên về bên hữu một chút. Nhưng việc gì cũng phải hợp lẽ, hợp thời, hợp đạo chính thě mới được. Đó là ý nghĩa câu đầu.
Câu thứ hai” “Chi nên “quá” trong việc nhỏ, không nên “quá trong việc lớn; vì việc nhỏ, lỡ có quá một chút, hậu quả không tai hại, còn việc lớn mà lỡ quá một chút, một li có thể đi một dặm hậu quả rât nặng nề, như việc nước, lỗi lầm một chút có thể gây chiến tranh hoặc sự suy sụp về kinh tế. . . .
Thóan truyện giảng: Các hào dương (lớn) đều không đắc trung, là quân tử nhất thời, không làm việc lớn được.
Câu thứ ba tối nghĩa, không hểiu swao lại dùng tượng con chim bay ở đây. Mỗi nhà giải thích một khác: Chu Hi bảo “trong thực, ngòai hư như con chim bay”, có lẽ vì cho hai hào âm ở dưới như hai chân chim, hai hào âm ở trên như hai cánh chim xòe ra? Còn về ý nghĩa thì có người giảng: người quân tử ở thời Tiểu quá nên khiêm tốn, không nên có tiếng tăm lớn, chỉ nên như tiếng chim kêu khi bay, thóang qua mà thôi; mà cũng không nên ở ngôi cao, như con chim không nên bay lên cao. Hai chữ “đại cát”, các sách đều dịch là rất tốt; Phan Bội Châu dịch là tốt cho người quân tử, nếu đừng có tiếng tăm, đừng ở ngôi cao “Đại” đó trỏ người quân tử.
Đại Tượng truyện giản: Chấn ở trên Cấn là tiếng sấm ở trên núi, bị nghẹt vì núi mà thu hẹp lại, nên gọi là Tiểu quá. Người quân tử ở thời này chỉ nên làm quá trong việc nhỏ, như có thể quá cung kính, quá thương cảm trong việc ma chay, quá tiết kiệm.

Hào từ:
1.
Sơ lục: Phi điểu di hung.
Dịch: Hào 1, âm: Chim (nên nấp mà lại) bay, nên xấu.
Giảng: Hào này âm nhu, bất tài, đựơc hào 4, dương; giúp, lại ở thời “hơi quá” (Tiểu quá), nên hăng hái muốn làm việc quá, e mắc vạ, cho nên xấu. Chỉ nên làm chim nấp, đừng làm chim bay.

2.
Lục nhị: Quá kì tổ, ngộ kì tỉ, bât cập kì quân.
Ngộ kì thần ,vô cữu.
Dịch: Hào 2, âm: Vượt qua ông mà gặp bà; không được gặp vua thì nên giữ phận bề tôi, như vậy không lỗi.
Giảng: Hào nay nhu thuận, trung chính ở vào thời Tiểu qua,1 có quá một chút mà không lỗi. nó là âm đáng lẽ cầu dương mà nó lại vượt hai hào dương (3 và 4 ) để gặp(ứng với 5) nghĩa là gặp âm nữa, cho nên Hào từ nói là vượt ông mà gặp bà. Hào từ khuyên hào này ở thấp, là phận làm tôi, không gặp được vua thì cứ giữ phận bề tôi (đứng vào hàng những bề tôi khác) .
Hào này tôi nghĩa, chúng tôi dịch theo Phan Bội Châu, Chu Hi giảng là: không gặp được vua thì gặp bề tôi, như vậy là giữ được trung, chính, tuy hơi quá (vì muống gặp vua) mà không lỗi (sau gặp bề tôi). Cả hai cách giảng đều không xuôi.

3.
Cửu tam: Phất quá phòng chi, tòng hoặc tường chi, hung.
Dịch: Hào 3, dương: Chẳng quá phòng bị (tiểu nhân) thì rồi sẽ bị chúng làm hại đấy.
Giảng: Thời Tiểu qua; tiểu nhân nhiều hơn quân tử, nên đề phòng quá cẩn thận thì tốt. Hào này dương cương đắc chính là quân tử, nhưng vì quá cương (dương ở vị dương), tự thị, không đề phòng cẩn thận nên bị vạ. Hào này xấu nhất trong quẻ vì bị 2 hào âm ở trên ép xuống, 2 hào âm ở dưới thúc lên, chỉ có mỗi hào 4 là bạn, mà chẳng giúp được gì.

4.
Cửu tứ: vô cữu, phất quá ngộ chi, vãng lệ, tất giới;
Vật dụng vĩnh trinh.
Dịch: Hào 4, dương: không lỗi vì không quá dương mà vừa đúng với đạo lý thời Tiểu quá; nếu tiến tới thì nguy, nên răn về điều đó, đừng cố giữ đức cương của mình, mà nên biến thông.
Giảng: hòan cảnh hào này y hệt hào 3; cũng bị 2 hào âm ép ở trên, 2 hào âm thúc ở dưới, và cũng ở chỗ chưa dứt được với nội quái, chưa lên hẳn được ngọai quái, đáng lẽ cũng xấu, nhưng nhờ 4 tuy dương mà ở vị âm, như vậy là hơi biết mềm dẻo, không quá cương như 3, đúng với đạo lý thời Tiểu quá, chi nên không có lỗi.
Tuy nhiên phải nhớ đừng tiến lên mà theo hai hào âm, như vậy là quá nhu mất, sẽ nguy; mà cũng đừng cố chấp giữ tính dương cương của mình, mà nên biến thông.

5.
Lục ngũ: Mật vân bất vũ, tự ngã tây giao;
Công dặc, thủ bỉ tại huyệt.
Dịch: Hào 5, âm: mây kịt mà không mưa ở cõi tây của ta, ong bắn mà bắt lấy nó ở hang.
Giảng: Âm dương tiếp xúc với nhau thì mới thành mua, nay âm lên quá cao rồi (hào 5), dương ở dưới, âm dương bất hòa, có cái tượng mây kịt mà không mưa ở cõi tây của ta (như thóan từ quẻ Tiểu súc số 9), đại ý là không làm được gì cả; vì là âm nhu, bất tài lại ở vào htời âm nhiều quá. Chỉ có một cách là xuống tìm hào 2, cũng âm, mà làm bạn. Chữ “cộng” (ông) ở đây trỏ hào 5, “bỉ” (nó) trỏ hào 2; hào 2 ở vị âm, tối tăm cho nên ví với cái hang.

6.
Thượng lục: phất ngộ quá chi, phi điểu li chi.
Hung, thị vị tai sảnh.
Dịch: Hào trên cùng, âm: không đúng với đạo mà lại sai quá, như cánh chim bay cao quá, xa quá, sợ bị tai vạ.
Giảng: Hào này âm nhu, mà biến động vì ở ngọai quái Chấn (động), lại ở vào ucối thời Tiểu qua,1 là thái qua, cho nên bảo là sai đạo qua; có cái tượng con chim bay cao quá, xa quá rồi; khó kéo lại được mà còn sợ bị tai vạ nữa. Hào 6 này âm là tiểu nhân, tiểu nhân mà vượt lên trên quân tử (dương hào 4), cho nên răn là sẽ bị tai họa.
Quẻ này khuyên quân tử ở vào thời tiểu nhân quá nhiều thì đừng nên quá cương như hào 3, mà nên mềm mỏng một chút, biến thông như hào 4. 


- Nguyễn Hiến Lê -

Trạch Lôi Tùy

17. QUẺ TRẠCH LÔI TÙY
Trên là Đoài (chằm), dưới là Chấn (động, sấm sét)
Trạch Lôi Tùy
Dự là vui vẻ, vui vẻ thì có nhiều người theo nên tiếp sau là quẻ Tùy. Tùy là theo.
Thoán từ
: , , , , 无咎.
Tùy: Nguyên, hanh, lợi, trinh, vô cữu.
Dịch: Theo nhau: rất hanh thông, nhưng phải theo điều chính đáng, vì điều chính đáng (trinh) mới có lợi, không có lỗi.
Giảng: Đoài ở trên là vui vẻ, Chấn ở dưới là động; đó là cái tượng hành động mà được người vui theo.
Lại có thể giảng: Chấn là sấm, Đoài là chằm, sấm động ở trong chằm, nước chằm theo tiếng sấm mà cũng động, cho nên gọi là tùy.
Lời thoán từ quẻ này chỉ khác lời Thoán từ quẻ Càn vì có thêm hai chữ “vô cữu” (không có lỗi) ở sau, mà nghĩa thay đổi hẳn. Chúng tôi dịch như trên là theo Chu Hi: nguyên hanh (rất hanh thông) là “đức” (tính cách) của Tùy; còn trinh (chính đáng) là điều kiện để cho Tùy có lợi mà không có lỗi.
Phan Bội Châu hiểu hơi khác: cả nguyên, hanh, lợi, trinh đều là điều kiện để “Tùy” có lợi mà không có lỗi. Theo người nhưng phải theo cái hay, theo đạo ; người có rất thiện (nguyên) , việc có thông thuận (hanh), có cái lợi công (lợi), thì mới nên theo, và khi theo thì phải giữ tiết tháo (trinh) thì mới không có lỗi.
Đại khái ba cách hiểu đó cũng không khác nhau mấy. Mà quẻ Tùy so với quẻ Càn thì kém xa.
Thoán truyện bàn rộng thêm, đưa một điều kiện nữa: Theo mà phải đúng thời mới được. Ví dụ thời Hán, Vương Mãng cũng đã muốn làm một cuộc cách mạng xã hội; rất công bằng, tốt; nhưng thời đó sớm qua, nên thất bại. Tới đời Tống, Vương an Thạch cũng thất bại, như vậy là không hợp thời. Và Thoán truyện nhấn mạnh vào cái nghĩa tùy thời đó. (Tùy thời chi nghĩa đại hĩ tai!)

Hào từ:
1.
初九: 官有渝, 貞吉, 出門交有功.
Sơ cửu: Quan hữu du, trinh cát, xuất môn giao hữu công.
Dịch: Hào 1, dương : chủ trương thay đổi, hễ chính thì tốt, ra ngoài giao thiệp thì có công.
Giảng: chữ “quan” ở đây có nghĩa là chủ, chữ “du” có nghĩa là thay đổi . Chu Hi hiểu là chủ trương thay đổi. Phan Bội Châu hiểu là cái thể của mình thay đổi, vì hào 1 là dương đáng lẽ làm chủ hai hào âm ở trên, nhưng ngược lại phải tùy hai hào đó (vì hào dương ở dưới cùng).
Hiểu theo cách nào thì vẫn : cứ chính đáng, theo lẽ phải, thì tốt (trinh cát). Đừng theo tư tình, mà theo người ngoài (xuất môn) nếu họ phải , thì thành công.

2.
六二: 係小子, 失丈夫.
Lục nhị: Hệ tiểu tử, thất trượng phu.
Dịch: Hào 2, âm: Ràng buộc với kẻ thấp kém (nguyên văn là : con nít) mà mất kẻ trượng phu.
Giảng: Hào này âm nhu,không biết giữ mình, gần đâu tùy đấy, nên ràng buộc với hào 1 dương (tiểu tử), mà bỏ mất hào 5 cũng dương , ở trên, ứng hợp với nó.
Quẻ này, hễ là hào âm thì không dùng chữ tùy là theo, mà dùng chữ hệ là ràng buộc, có ý cho rằng âm nhu thì vì tư tình, hoặc lợi lộc mà quấn quít, còn dương cương thì vì chính nghĩa mà theo.

3.
六三: 係丈夫, 失小子; 隨有求得, 利居貞.
Lục tam: Hệ trượng phu, thất tiểu tử;
Tùy hữu cầu đắc, lợi cư trinh.
Dịch: Hào 3, âm: Ràng buộc với trượng phu, bỏ kẻ thấp kém; theo như vậy cầu xin cái gì thì đựơc đấy, nhưng phải chính đáng mới có lợi.
Giảng: Hào này cũng âm nhu như hào 2, gần đầu thân cận đấy, cho nên thân với hào 4 dương cương, có địa vị ở trên (tức với trượng phu) mà bỏ hào 1 (tiểu tử). Nó xin 4 cái gì cũng được vì 4 hơi có thế lực; nhưng Hào từ khuyên đừng xu thế trục lợi, phải giữ tư cách chính đáng thì mới tốt.

4.
九四: 隨有獲, 貞凶.有孚, 在道, 以明何咎.
Cửu tứ: Tùy hữu hoạch, trinh, hung.
Hữu phu, tại đạo, dĩ minh hà cữu.
Dịch: Hào 4, dương : Theo thì thu hoạch được lớn đấy, nhưng dù lẽ vẫn ngay mà cũng có thể gặp hung được. Cứ giữ lòng chí thành, theo đạo lý, lấy đức sáng suốt mà ứng phó thì không có lỗi.
Giảng: Hào này như một vị cận thần, được vua tin cậy (5 và 4 cùng là dương cả), ở vào thời Tùy là thiên hạ theo mình, như vậy thu hoạch được lớn (có thể hiểu là được lòng dân, hoặc lập được sự nghiệp); nhưng chính vì vậy mà có thể gặp hung (chẳng hạn bị ngờ là chuyên quyền, bị vua ganh ghét như Nguyễn Trãi). Cho nên Hào từ khuyên giữ lòng chí thành theo đạo lý sáng suốt ứng phó (nghĩa là có đủ ba đức: tín, nhân, trí) thì mới khỏi lỗi.

5.
九五: 孚于嘉, 吉.
Cửu ngũ: phu vu gia, cát.
Dịch: Hào 5, dương. Tín thành với điều thiện thì tốt.
Giảng: Hào 5, dương cương, ở vị tôn, trung và chính, lại ứng hợp với hào 2, cũng trung chính, cho nên rất tốt. “Gia” , điều thiện, ở đây là đức trung chính.

6.
上六: 拘係之, 乃從維之.王用亨于西山.
Thượng lục: câu hệ chi, mãi tòng duy chi.
Vương dụng hanh vu Tây Sơn.
Dịch: Hào trên cùng, âm. Ràng buộc lấy, theo mà thắt chặt lấy; Thái Vương nhà Chu, được nhân tâm như vậy mới lập được nghiệp vương hanh thịnh ở Tây sơn (tức Kỳ sơn).
Giảng: Hào này ở ucối quẻ Tùy, là được nhân tâm theo đến cùng cực, như thắt chặt với mình, như vua Thái Vương nhà Chu, lánh nạn rợ Địch, bỏ ấp Mân mà chạy sang đất Kỳ Sơn (năm -1327), người ấp Mân già trẻ trai gái dắt díu nhau theo, đông như đi chợ.
Chúng tôi theo Phan Bội Châu mà dịch câu: “Vương dụng hanh vu Tây sơn” như vậy.
Chu Hi bảo chữ [  ] phải đọc là hưởng và hiểu là : vua dùng ý thành mà làm tế hưởng ở đất Tây Sơn.
J. Legge cũng dịch như Chu Hi. R.Wilhem cũng đọc là hưởng mà hiểu khác nữa: Vua cho những công thần được phụ hưởng (thờ chung với tổ tiên nhà Chu) ở nhà Thái Miếu tại Tây Sơn.

*
Quẻ này khuyên chúng ta chỉ nên theo chính nghĩa (chứ đừng vì tư tình, vì lợi) và biết tùy thời, như vậy thì tốt tới cùng được (hào cuối, đạt đến cực điểm mà vẫn không xấu.) 


- Nguyễn Hiến Lê -