Khi có việc cần tư vấn quyết định gấp hãy gọi/sms ngay số 083 313 9692 - 0948 831 3060 hoặc e-mail về dongquangus@gmail.com để được ưu tiên tư vấn nhanh!

Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2014

Thiên Địa Bĩ

12. QUẺ THIÊN ĐỊA BĨ
Trên là Càn (trời) dưới là Khôn (đất)

Trong vũ trụ không có gì là thông hoài được, hết thông thì tới bế tắc, cùng, cho nên sau quẻ Thái tới quẻ Bĩ.
Thoán tử.
否之匪人, 不利君子貞, 大往小來.
Bĩ chi phỉ nhân, bất lợi quân tử trinh, đại vãng tiểu lai.

Dịch: Bĩ không phải đạo người (phi nhân nghĩa như phi nhân đạo), vì nó không lợi cho đạo chính của quân tử (Tượng của nó là) cái lớn (dương ) đi mà cái nhỏ (âm) lại.
 Giảng: Bĩ trái với Thái. Thái thì dương ở dưới thăng lên, giao với âm ở trên giáng xuống; bĩ thì dương ở trên đi lên, âm ở dưới đi xuống không giao nhau. Âm dương không giao nhau thì bế tắc, ở đạo người như vậy mà ở vạn vật cũng như vậy. Thời đó không lợi với đạo chính của quân tử, vì dương đi nghĩa là đạo của người quân tử tiêu lần, mà âm lại nghĩa là đạo của tiểu nhân lớn lên.
 Đại tượng truyện – Khuyên: gặp thời bĩ thì người quân tử nên thu cái đức của mình lại (đừng hành động gì cả, riêng giữ các đức của mình) để tránh tai nạn, đừng màng chút lợi danh nào cả. (Quân tử dĩ kiệm đức tị nạn, bất khả vinh dĩ lộc). Nghĩa là nên ở ẩn.
 Gặp thời Truân, thời khó khăn, gian truân, người quân tử nên tập hợp nhau lại mà hành động; còn thời đã bĩ, đã bế tắc cùng cực rồi thì hành động chỉ vô ích, cốt giữ cái đức và cái thân mình thôi.

Hào từ.
1.
初六: 拔茅茹, 以其彙, 貞吉亨.
Sơ lục: Bạt mao nhự, dĩ kỳ vị, trinh cát hanh.

Dịch: Hào 1 âm: Nhổ rễ cỏ mao mà được cả đám, hễ chính thì tốt mà hanh thông.
 Giảng: Hào này rất giống hào 1 quẻ Thái: cũng “bạt mao dĩ kỳ vị” vì quẻ Thái hào 1 cặp với hai hào trên, quẻ này cũng vậy, cũng có đồng chí, làm việc dễ có kết quả; chỉ khác quẻ thái hào 1 là dương, quân tử, quẻ này hào 1 là âm, tiểu nhân; cho nên quẻ Thái khuyên cứ tiến lên (chính) sẽ tốt; còn quẻ này thì khuyên phải “trinh” chính đáng (trinh – khác nhau ở hai chữ chính [] và trinh [] thì sẽ tốt và hanh thông.
 Hào 1 quẻ Bĩ là tiểu nhân nhưng mới bước đầu, cái ác chưa hiện rõ, lại ứng hợp với hào 4 ở trên là quân tử, cho nên còn có hy vọng cải hóa được. Ðại tượng truyện bảo: nếu để tâm giúp nước (chí tại quân – quân là vua, là quốc gia) như hào 4 thì sẽ tốt. Như vậy là có ý khuyên tiểu nhân nên đứng vào phe quân tử .

2.
六二: 包承, 小人吉;大人否, 亨.
Lục nhị: Bào thừa, tiểu nhân cát; đại nhân bĩ, hanh.

Dịch: Hào 2, âm: Tiểu nhân chịu đựng và vâng thuận người quân tử thì tốt: đại nhân (có đức lớn) nên giữ tư cách trong cảnh bế tắc (khốn cùng) thì hanh thông.
 Giảng: Hào này tuy là tiểu nhân, nhưng đắc trung đắc chính, chung quanh là tiểu nhân cả, mà ứng hợp với hào 5 quân tử ở trên, cho nên hào từ khuyên nó nên vâng thuận quân tử thì tốt. Còn kẻ đại nhân được bọn tiểu nhân vâng thuận – vì chúng muốn mua danh – thì cũng đừng theo chúng, cứ giữ khí tiết của mình trong thời khốn cùng, như vậy sẽ hanh thông.

3.
六三: 包羞.
Lục tam: Bao tu .
Dịch: Hào 3, âm: Chứa chất sự gian tà, xấu hổ.
 Giảng: Hào này, không trung, không chính, là kẻ đứng đầu bọn tiểu nhân (vì ở trên cùng nội quái khôn), cho nên rất xấu, đáng ghét.

4.
九四:有命, 无咎.疇離祉.
Cửu tứ: Hữu mệnh, vô cữu. Trù li chỉ.

Dịch : Hào 4 dương : có mệnh trời (tức như thời vận đã tới) thì không lỗi mà bạn của mình cũng nhờ cậy mình mà được hưởng phúc.
 Giảng: Hào này ở quá nửa quẻ Bĩ, có mòi sắp hết bĩ rồi, cho nên nói là thời vận đã tới; nó là dương ở trong ngọai quái Càn, chính là người quân tử thực hiện được chí của mình. Bạn của nó, tức hai hào 5, 6 cùng là dương cả - cũng sẽ được hưởng phúc.

5.
九五: 休否,  人吉.其亡, 其亡, 繫于苞桑.
Cửu ngũ: Hưu bĩ, đại nhân cát.
Kỳ vong, kỳ vong, hệ vu bao tang.

Dịch: Hào 5, dương : làm cho hết bĩ, đó là đạo tốt của bậc đại nhân (tuy nhiên, phải biết lo). Có thể mất đấy, (đừng quên điều đó thì mới vững như buộc vào một cụm dâu (dây dâu nhiều rễ, ăn sâu dưới đất, rất khó nhổ).
Giảng: Hào này có đức dương cương trung chính, lại ở vào ngôi chí tôn, trong thời Bĩ sắp hết, cho nên lời đoán là tôt. Những vẫn phải thận trọng, đừng sai sót.
 Theo Hệ từ hạ chương V thì Khổng tử đọc tới hào này, bàn thêm rằng: “Người quân tử khi yên ổn thì không nên quên rằng sẽ có thể nguy; khi vững thì không quên rằng có thể mất, khi trị thì không quên rằng sẽ có thể loạn. Nhờ vậy mà thân an nước nhà giữ vững được.”

6.
上九: 傾否, 先否, 後喜.
Thượng cửu: Khuynh bĩ, tiên bĩ, hậu hĩ.

Dịch: Hào trên cùng, dương: đánh đổ được cái bĩ, trước còn bĩ, sau thì mừng.

Giảng: Đây là thời cuối cùng của Bĩ mà bĩ cực thì thái lai; người quân tử có tài sẽ dắt cả bạn bè (trỏ hào 4 và 5) mà đánh đổ dược bĩ. Nhưng mới đầu còn phải lo lắng (tiên bĩ) sau mới mừng là bước lên được cảnh Thái rồi.
 Chúng ta để ý: Quẻ Thái, mới đến hào 3, còn thịnh cực mà Dịch đã khuyên phải giữ được chính đáng trong cảnh gian nan (gian trinh); còn quẻ Bĩ, khi mới tới hào 4, mới có mòi sắp hết bĩ mà Dịch đã khuyên là thời đã tới, người quân tử nên thực hiện chí của mình đi. Nghĩa là luôn luôn phải sẵn sàng để nắm ngay lấy cơ hội. 


Thiên Thủy Tụng


6. Qu THIÊN THỦY TỤNG

Trên là Càn (trời), dưới là Khảm (nước) ngược hẳn với quẻ 5

Thiên Thủy Tụng


QUẺ THIÊN THUỶ TỤNG (tụng ): Kiện cáo. Đừng ham kiện. Việc hình pháp nên công minh.

 ; Trên là là Càn (trời), dưới là  Khảm (nước) ngược hẳn với quẻ 5.

Tự quái truyện đã cho Nhu là ăn uống, cho nên giảng rằng vì (vấn đề) ăn uống mà người ta sinh ra tranh nhau, rồi kiện nhau, cho nên sau quẻ Nhu là quẻ Tụng (có nghĩa là kiện cáo).

Thoán từ:

:    .   ,  

Tụng: Hữu phu, trất, dịch. Trung cát, chung hung.

    利 ,

           Lợi  kiến đại  nhân, bất   lợi  thiệp đại xuyên.

Dịch: Kiện cáo vì mình tin thực mà bị oan ức (trất), sinh ra lo sợ (dịch). Nếu giữ đạo trung (biện bạch được rồi thì thôi) thì tốt lành, nếu kiện cho đến cùng thì xấu. Tìm được bậc đại nhân (công minh) mà nghe theo thì có lợi; nếu không thì như lội qua sông lớn (nguy), không có lợi.

Giảng: Theo tượng quẻ này có thể giảng: người trên (quẻ Càn) là dương cương, áp chế người dưới, mà người dưới (quẻ Khảm) thì âm hiểm, tất sinh ra kiện cáo, hoặc cho cả trùng quái chỉ là một người, trong lòng thì nham hiểm (nội quái là Khảm), mà ngoài thì cương cường (ngoại quái là Càn), tất sinh sự gây ra kiện cáo.

Thoán từ của Chu Công không hiểu hai cách đó mà cho quẻ này là trường hợp một người có lòng tin thực (hữu phu) mà bị oan ức, vu hãm, không có người xét rõ cho, cho nên lo sợ, phải đi kiện. Nếu người đó giữ đạo trung như hào 2 (đắc trung), nghĩa là minh oan được rồi thì thôi, thì sẽ tốt, nếu cứ đeo đuổi cho tới cùng, quyết thắng, không chịu thôi, thì sẽ xấu.

Quẻ khuyên người đó nên đi tìm bậc đại nhân công minh (tức hào 5 - ứng với hào 2, vừa trung, chính, vừa ở ngôi cao), mà nghe lời người đó thì có lợi; nếu không thì là tự mình tìm sự nguy hại, như lội qua sông lớn.

Đại tượng truyện đưa ra một cách giảng khác nữa: Càn (trời) có xu hướng đi lên; Khảm (nước) có xu hướng chảy xuống thấp, như vậy là trái ngược nhau, cũng như hai người bất đồng đạo, tranh nhau mà sinh ra kiện cáo. Và Đại tượng truyện khuyên người quân tử làm việc gì cũng nên cẩn thận từ lúc đầu để tránh kiện cáo.

Hào từ:

1. 初 六: 不 永 所 事, 小 有 言, 終 吉

     Sơ    lục:   Bất   vinh   sở    sự,     tiểu   hữu  ngôn, chung  cát.

Dịch: Hào 1 âm: Đừng kéo dài (vụ kiện) làm gì, tuy bị trách một chút, nhưng sau được tốt.

Giảng: Hào 1, âm nhu ở dưới, được hào 4 cương kiện ở trên ứng viện, tức là có chỗ dựa; nhưng đừng nên ỷ thế sinh sự kéo dài vụ kiện; có bị trách một chút thì cũng thôi, kết quả được biện minh, thế là tốt. 

2. 九 二: 不 克 訟, 歸 而 逋,

    Cửu  nhị:    Bất  khắc tụng,   quy   nhi    bô.

        其 邑 人 三 百 戶, 无 

                        Kì     ấp  nhân  tam  bách  hộ,      vô   sảnh.

Dịch: Hào 2, dương: không nên kiện, lui về mà tránh đi, ấp mình chỉ có ba trăm nóc nhà thôi (ý nói địa vị mình thấp, thế mình nhỏ), như vậy thì không bị họa.

Giảng: Trong phần I, chương IV, chúng tôi đã nói: các hào ứng với nhau (1 với 4, 2 với 5, 3 với 6) phải một dương một âm thì mới có “tình” với nhau, mới đứng vào một phe, viện trợ nhau, tức trường hợp hào 1 và hào 4 quẻ này; nếu cả hai cùng là dương hay là âm thì tuy ứng nhau đấy, nhưng có thể kị nhau, cũng như hào 2 và hào 5 cũng quẻ này. Hai hào này đều là dương cả, cho nên coi là địch nhau, đứng vào hai phe ở trong quẻ Tụng (kiện cáo).

Hào 2 ở dưới, trung chứ không chính, ở giữa nội quái là Khảm (hiểm) lại bị hai hào âm 1 và 3 vây, nên thế yếu, muốn kiện hào 5 (vì 2 có tính dương cương) nhưng thế không địch nổi, vì 5 trung , chính lại ở ngôi cao. Dưới kiện trên khác gì trứng chọi đá, không nên, thà rút lui về, tránh đi còn hơn, như vậy không bị tội lỗi.

Tiểu tượng truyện còn dặn thêm: nếu dưới mà kiện trên, tai họa tới là tự mình vơ lấy đấy: hoạn chí xuyết (cũng đọc là chuyết, là đoát) dã.

Phan Bội Châu giảng hào này, dẫn việc Nguyễn Hoàng muốn kình với Trịnh Kiểm (sự thực Trịnh Kiểm muốn hại Nguyễn Hoàng, Nguyễn Hoàng sợ), cho người hỏi ý kiến Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Bỉnh Khiêm đáp: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (nghĩa là một dải Hoành Sơn có thể dung thân muôn đời), có ý khuyên nên trốn tránh vào Nam cho thoát nạn; đó là ý nghĩa ba chữ “quy nhi bô” trong hào này. 

3. 六 三: 食 舊 德, 貞 厲,

      Lục  tam:  Thực  cựu   đức,  trinh  lệ,

         終 吉或 從 王 事, 无 成

                         chung cát; hoặc tòng vương  sự,    vô   thành.

Dịch: Hào 3 âm: Cứ (yên ổn) hưởng cái đức (ân trạch) cũ của mình (Chu Hi hiểu là giữ cái nếp cũ), ăn ở cho chính đáng mà thường để lòng lo sợ thì kết quả sẽ tốt; nếu phải đi theo làm với người trên (chữ vương ở đây trỏ người trên, không nhất định là vua), thì cũng đừng mong thành công.

Giảng: Hào 3 đã âm nhu lại bất chính (vì hào âm mà ở ngôi dương, ở chông chênh trên cùng quẻ Khảm (hiểm), chung quanh đều là kẻ thích gây sự, kiện cáo (vì hào 2 và 4 đều là dương), cho nên 3 thường phải lo sợ (lệ), nếu hiểu vậy mà biết giữ gìn thì rốt cuộc sẽ yên ổn.

Hào 3 có hào 5 ở trên ứng và có “tình” với mình, 6 là dương cương lại là bề trên (ngôi cao), nên có khi lôi kéo 3 theo nó; trong trường hợp đó, 3 nên an phận thủ thường, cứ phục tùng 6, đừng mong thành công (chẳng hạn 6 muốn đứng ra kiện, kéo 3 theo thì 3 chỉ nên giúp 6 lấy lệ thôi, đừng ham lập công). 

 4. 九 四: 不克 訟, 復 即 命, , 安 貞 吉

    Cửu    tứ:  Bất  khắc tụng, phục tức  mệnh,  du,    an    trinh  cát.

Dịch: Hào 4, dương: không thể kiện cáo được, trở lại theo thiên mệnh (lẽ chính đáng), đổi ý đi, ở yên theo điều chính thì tốt.

Giảng: Hào này dương cương mà bất trung, bất chính, “tượng” một người ham kiện cáo. Nhưng không thể kiện ai được: kiện 5 thì 5 ở trên mình, ngôi tôn, không dám kiện; kiện 3 thì 3 nhu thuận, chịu thua trước rồi; kiện 2 thì 2 vừa cương, chính , trung, sáng suốt, đã tiên liệu rồi, không chịu kiện; còn 1 thì đã về phe với 4. Đành phải bỏ ý ham kiện đi, theo lẽ phải, ở yên, giữ điều chính, như vậy thì tốt. 

 5. 九 五: 訟, 元 吉

     Cửu ngũ: Tụng, nguyên cát.

Dịch: Hào 5 dương : Xử kiện hay đi kiện, đều rất tốt.

Giảng: Hào 5 này ở ngôi chí tôn, cương mà minh, trung và chính. Nếu là người xử kiện thì là bậc có đức, có tài (như Bao Công); nếu là người đi kiện thì gặp đựơc quan tòa có đức, có tài. Không gì tốt bằng. 

6. 上 九: 或 錫 之  帶, 終 朝, 三 褫 之

Thượng cửu:  Hoặc tích  chi    bàn   đái,  chung triêu,   tam   sỉ    chi.

Dịch: Hào trên cùng, dương: (kiện) may mà được cái đai lớn (của quan chức) thì trong một buổi sáng sẽ bị cướp ba lần.

Giảng: Hào dương này ở trên cùng quẻ Tụng là kẻ rất thích kiện, kiện tới cùng. Nó ở ngôi 6 là bất chính, cho nên dù có may ra được kiện, thì chẳng bao lâu cũng sẽ mất hết, rốt cuộc vẫn không lợi.

*

Quẻ tụng này ý nghĩa các hào rất nhất trí, sáng sủa.

Trước sau chỉ là răn người ta đừng ham tranh nhau kiện cáo: hào 3 không kiện với ai, tốt; hào 2 và hào 4, muốn kiện mà sau thôi không kiện, cũng tốt; hào 1 bị kiện thì nên nhường nhịn một chút, rốt cuộc sẽ tốt, duy có hào 6 bằng kiện tới cùng thì dù có thắng, cũng hóa xấu.

Còn hào 5 diễn cái ý: có một Tòa án công minh thì phúc cho dân biết bao. 

-Nguyễn Hiến Lê -


* Bản này có sự góp ý điều chỉnh của Thầy Tăng Văn Y (Lục Nam, Bắc Giang), có bổ sung các chỗ còn thiếu về chữ Hán, "đối chiếu với bản NXB Văn học 1994 có in chữ chép tay của cụ, đối chiếu với Từ điển Hán Việt trên mạng, đánh thêm một số phần,..." 

Trân trọng cảm ơn sự đóng góp quý báu này của Thầy !


Bài liên quan:
                                    👉      Dự đoán tình hình thế giới năm 2012
                                    👉      Con chuột "thí nghiệm Dịch" thứ 5






Phong Trạch Trung Phù

61. QUẺ PHONG TRẠCH TRUNG PHÙ
Trên là Tốn (gió), dưới là Đoài (chằm)
 
Đã định tiết chế thì người trên phải giữ đức tín để người dưới tin theo, cho nên sau quẻ Tiết tới quẻ Trung phu. Trung phu là có đức tin (phu) ở trong (trung) lòng.
Thoán từ:
Trung phu: Đồn ngư cát, lợi thiệp đại xuyên, lợi trinh.
Dịch: trong lòng có đức tin tới cảm được heo và cá, tốt như vậy thì lội qua sông lớn được, giữ đạo chính thì lợi.
Giảng: quẻ này ở giữa có hai hào âm (hai nét đứt), như trong lòng trống rỗng (hư tâm) không có tư dục, tư ý; còn 4 hào dương là nét liền, đặc, thực (trái với hư), mà hào 2 và hào 5 lại đắc trung (ở giữa nội và ngọai quái), vậy là có đức trung thực. do đó mà đặt tên quẻ là Trung phu.
Theo nghĩa thì trên là Tốn, thuận với người dưới; dưới là Đoài, phục tùng người trên; như vậy là cảm hóa được dân.
Lòng chí thành cảm được những vật ngu, không biết gì như heo và cá. Lấy lòng chí thành, hư tâm mà ứng phó với nguy hiểm thì vượt được hết, như qua sông lớn mà ngồi chiếc thuyền trống không (hư chu), không chở gì cả, thật là an toàn. Phải giữ chính đạo mới tốt.
Đại Tượng truyện giảng: gió ở trên, chằm ở dưới, là gió (làm ) động được nước như lòng thành thực cảm động được người. Nên tuy lòng trung thành mà xử việc thiên hạ; như xử tội thì sét đi xét lại, tìm cách cứu tội nhân, tha cho tội chết.
Hào từ:
1.
Sơ cửu: Ngu cát, hữu tha, bất yến.
Dịch:Hào 1, dương: liệu tính cho chắc chắn rồi mới tin thì tốt; có lòng nghĩ khác thì không yên.
Giảng: Hào này mới vào thời Trung phu, tuy ứng với hào 4, âm nhu, đắc chính là người đáng tin, nhương bước đầu, phải xét cho kỹ lưỡng xem 4 có đáng tin không, khi đã tin rồi thì đừng đổi chí hướng, lòng phải định rồi mới tĩnh mà yên được.
2.
Cửu nhị: Minh hạc tại âm, kỳ tử họa chi;
Ngã hữu hảu tước, ngô dữ nhĩ mĩ chi.
Dịch: Hào 2, dương: Như con hạc mẹ gáy ở bóng râm, con con nó họa lại; lại như tôi có chén rượu ngon, tôi cùng anh chia nhau.
Giảng: Hào này ứng với hào 5 ở trên, cả hai đều có đức dương cương , lại đắc trung đều có lòng thành thực, đều là những hào quan trọng trong quẻ Trung phu; hai bên cảm ứng, tương đắc với nhau như hạc mẹ gáy mà hạc con họa lại, hoặc như một người có chén rượu ngon mà chia với bạn.
Theo Hệ từ thượng truyện, Chương VIII, số 5, Khổng tử giải thích ý nghĩa hào này như sau:
“Người quân tử ở trong nhà mà nói ra, nếu lời nói hay thì người ngòai nghìn dằm cũng hưởng ứng, hống chi là người ở gần; . . hành vi từ gần phát ra thì ảnh hưởng hiện ngay ở xa . . như vậy chẳng nên thận trọng lắm ư?”
Khổng tử đã hiểu rộng “tiếng gáy của con hạc” là lời nói hay; và “chén rượu ngon’ là hành vi đẹp, mà khuyên chúng ta phải thận trọng về ngôn, hành.
3.
Lục tam: Đắc dịch, hoặc cổ, hoặc bái, hoặc khếp, hoặc ca.
Dịch: Hào 3, âm: gặp được bạn (địch) lúc thì đánh trống vui múa, lúc thì chán nản mà ngừng, lúc thì khóc, lúc thì hát.
Giảng: Hào này âm nhu bất chính, bất trung, ứng với hào ở trên cùng, dương cương mà bất trung, bất chính, như hai người ăn ở với nhau mà không thành thực, tính tình thay đổi luôn luôn, vui đó rồi khóc đó “Hoặc cổ hoặc bải”, (có người hiểu là: lúc thì cổ võ, lúc thì bỏ đi).
4.
Lục tứ: Nguyệt cơ vọng, mã thất vong, vô cữu.

Dịch: Hào 4, âm: Trăng mười bốn (gần tới rằm), con người bỏ bạn mà tiến lên, không lỗi.
Giảng : Hào này đắc chính, thân cận với hào 5, được vua tín nhiệm sự thịnh vượng đã gần tới tuyệt đỉnh rồi, như trăng mười bốn gần đến ngày rằm. Nó ứng với hào 1, hai bên cặp kè nhau như cặp ngựa, nhưng nó biết phục tòng đạo lý, nên sau bỏ 1, để chuyên nhất với 5, như vậy không có tội lỗi gì.
5.
Cửu ngũ: Hữu phu luyến như, vô cữu.
Dịch: Hào 5, dương: có lòng chí thành ràng buộc, không lỗi.
Giảng: Như trên đã nói, hào này ở ngôi chí tôn, có đủ đức trung chính, thành tín buộc được lòng thiên hạ.
6.
Thượng cửu: Hàn âm đăng vu thiên, trinh hung.
Dịch: Hào trên cùng, dương: tiếng gà lên tận trời, dù có chính đáng cũng xấu.
Giảng: Hào này dương cương , không đắc trung lại ở vào thời thành tín đã cùng cực, đức tin đã suy, vậy là có danh mà không có thực. Lại thêm không biết biến thông, muốn cố giữ đức tín (vì có tính dương cương , cho nên ví với con gà không là lòai bay cao được mà muốn lên tới trời.
Vậy lòng thành tín vẫn là tốt, nhưng phải đừng thái quá mà biết biến thông, Phan Bội Châu nhắc truyện ngụ ngôn anh chàng họ vĩ (có sách nói là họ Vi) thời Xuân Thu hẹn với một người con gái ở dưới cầu; người đó không tới, nước lên cao, anh ta cứ ôm cột cầu chịu chêt. Tín như vậy là ngu, không biết biến thông. 

- Nguyễn Hiến Lê -

Phong Hỏa Gia Nhân



37. QUẺ PHONG HỎA GIA NHÂN
Trên là Tốn (gió), dưới là Ly (lửa).
Gia Nhân
Di là bị thương; hễ ra ngoài bị thương thì trở về nhà, cho nên sau quẻ Minh di tới quẻ Gia nhân. Gia nhân là người trong một nhà.

* Thoán từ :
家人: 利女貞.
Gia nhân : Lợi nữ trinh.
Dịch: người trong nhà: hễ đàn bà mà chính đáng thì có lợi.
Giảng: Nội quái là Ly, sáng suốt; ngoại quái là Tốn thuận. Ở trong thì suốt, xử trí không hồ đồ, ở ngoài thì thuận, như vậy việc tề gia sẽ tốt đẹp. Nói rộng ra việc nước cũng vậy, vì người trong một nước lấy nước làm nhà; mà việc thế giới cũng vậy, vì mỗi nước như một người, cả thế giới như một nhà.
Quẻ này, nội quái Ly là trung nữ, ngoại quái Tốn là trưởng nữ (1); hào 2, âm làm chủ nội quái, hào 4, âm làm chủ ngoại quái, hai hào đó đều đắc chính cả, cho nên nói đàn bà mà chính đáng thì có lợi.
Tuy chỉ nói “nữ” trinh thôi, nhưng phải hiểu nam cũng cần chính đáng nữa, vì nếu nam không chính đáng thì nữ làm sao chính đáng được. Cho nên Thoán truyện giải thích: Đàn bà chính đáng ở trong (ám chỉ hào 2, âm ở vị âm trong nội quái), mà đàn ông chính đáng ở ngoài (hào 5, dương, ở vị dương trong ngoại quái); đàn bà lo việc nhà, đàn ông lo việc ở ngoài, cả hai đều giữ đạo chính, đó là hợp với nghĩa lớn của trời đất (nữ chính vị hồ nội, nam chính vị hồ ngoại; nam nữ chính, thiên địa chi đại nghĩa dã). Nam nữ là nói chung, gồm cả cha mẹ, con cái, anh chị em, vợ chồng, ai nấy đều phải giữ đạo chính hết, chứ không phải chỉ có người trên, chồng không phải giữ đạo. Cha mẹ cũng có đúng đạo cha mẹ thì con mới đúng đạo con, anh em cũng vậy, chồng vợ cũng vậy. Thời xưa chẳng riêng ở Trung Hoa mà ở khắp các nước theo chế độ phụ quyền như phương Tây cũng vậy, không có bình đẳng giữa nam nữ; nhưng về tư cách, đạo đức, thì nam nữ đều có bổn phận, trách nhiệm ngang nhau.
Đại tượng truyện khuyên: coi tượng quẻ này, gió từ trong lửa phát ra (điều này khoa học đã giảng rồi), người quân tử hiểu rằng trong thiên hạ, việc gì ở ngoài cũng phát từ ở trong; muốn trị nước thì trước phải trị nhà, muốn trị nhà thì trước phải tu thân; mà việc tu thân cốt ở hai điều: nói phải có thực lý; thực sự, không nói suông, vu vơ; làm thì thái độ phải trước sao sau vậy, triệt để từ đầu tới đuôi, đừng thay đổi hoài (quân tử dĩ ngôn hữu vật, như hạnh hữu hằng).

Hào từ:
1.
初九: 閑有家, 悔亡.
Sơ cửu: nhàn hữu gia, hối vong.
Dịch: Hào 1, dương: phòng ngừa ngay từ khi mới có nhà thì không hối hận gì cả.
Giảng: Hào này dương cương ở đầu quẻ Gia nhân, chính là lúc mới có nhà, nếu biết đề phòng, ngăn ngừa ngay các tật như lười biếng, xa xỉ thì không có gì phải ăn năn. Ý hào này cũng như tục ngữ của ta: Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về.

2.
六二: 无攸遂, 在中饋, 貞吉.
Lục nhị: vô du loại, tại trung quĩ, trinh cát.
Dịch: Hào 2, âm: không việc gì mà tự chuyên lấy thành công (nắm hết trách nhiệm), cứ ở trong nhà lo việc nấu nướng, giữ đạo chính thì tốt.
Giảng: Hào này âm nhu mà ở vị âm, đắc trung đắc chính là người dâu hay con gái thuận tòng, nhún nhường, nhưng bất tài, ở địa vị thấp, nên không gánh vác nổi việc trị gia, không lãnh trách nhiệm lớn được, chỉ nên lo việc nấu nướng ở trong nhà thôi.

3.
九三: 家人嗃嗃, 悔厲, 吉.婦子嘻嘻, 終吝.
Cửu tam: Gia nhân hác hác, hối lệ, cát; phụ tử hi hi, chung lận.
Dịch: Hào 3, dương: người chủ nhà nghiêm khắc, tuy hối hận, có nguy nhưng lại tốt; (nếu quá khoan để cho) dâu con nhí nhảnh chơi đùa tì lại hối tiếc.
Giảng: Hào này là dương ở vị dương, đắc chính nhưng không đắc trung, quá nghiêm khắc, tuy có lúc phải hối hận, gặp nguy, nhưng kết quả lại tốt vì nhà có trật tự, trái lại nếu quá dễ dãi để cho dâu con luông tuồng, thì nhà sẽ suy loạn mà phải hối tiếc.

4.
六四: 富家, 大吉.
Lục tứ: phú gia, đại cát.
Dịch: Hào 4, âm: Làm giàu thịnh cho nhà, rất rốt.
Giảng: Hào này âm nhu, đắc chính ở vào ngoại quái Tốn, ở địa vị cao, như bà mẹ có trách nhiệm làm cho nhà giàu thịnh lên.
 Theo Phan Bội Châu, chữ “phú” ở đây không có nghĩa là làm giàu, mà có nghĩa là gia đạo hưng thịnh lên, mọi người hoà hợp nhau, trên ra trên, dưới ra dưới.

5.
九五: 王假有家, 勿恤, 吉.
Cửu ngũ: Vương cách hữu gia, vật tuất, cát.
Dịch: Hào 5 dương : vua (hoặc gia chủ) rất khéo về việc trị gia (cách là rất tốt không có gì phải lo, tốt.
Giảng: Chữ vương ở đây có thể hiểu là vua trong nước hay gia chủ, nếu hiểu là vua thì “trị gia” phải hiểu là “trị quốc”
Hào này dương cương, đắc trung, đắc chính, lại có hào 2, âm ở dưới ứng với mình, cũng trung, chính; như có người nội trợ hiền giúp đỡ mình, không còn lo lắng gì nữa, tốt.

6.
上九: 有孚, 威如, 終吉.
Thượng cửu: Hữu phu, uy như, chung cát.
Dịch: Hào trên cùng, dương: (người trên) có lòng chí thành và thái độ uy nghiêm (không lờn) thì cuối cùng sẽ tốt.
Giảng: Hào này ở trên cùng quẻ Gia nhân, tức lúc gia đạo đã hoàn thành. Người trên chỉ cần thành tín là người dưới tin, lại nghiêm trang thì đạo được tốt đẹp lâu dài.
  
*
 Quẻ này dạy cách tề gia, cần nhớ ba điều này:
- Phải ngăn ngừa ngay từ lúc đầu.
- Bất kỳ người nào trong nhà, nhất là những người trên, phải giữ chánh đạo, giữ bổn phận, trách nhiệm của mình.
- Người chủ phải nghiêm, nếu nghiêm thì có điều hối hận đấy, nhưng còn hơn là quá dễ dãi.

Chúng ta để ý: sáu hào không có hào nào xấu; nhưng ba hào dưới thuộc về bước đầu, có lời răn bảo (hào 1: phải phòng ngừa từ lúc đầu, hào 2: phải giữ đạo chính ; hào 3: coi chừng nghiêm quá thì hối hận, nguy); tới hào 4 và 5; kết quả rất tốt, hào cuối chỉ cách giữ được sự tốt đẹp đó tới cùng. 

- Nguyễn Hiến Lê -

Bài liên quan :