Khi có việc cần tư vấn quyết định gấp hãy gọi/sms ngay số 083 313 9692 - 0948 831 3060 hoặc e-mail về dongquangus@gmail.com để được ưu tiên tư vấn nhanh!

Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

Thương con

Con ơi ! Sáng nay ta ra bên vườn lan, nhìn những nụ hoa hàm tiếu, ta chợt nhớ đến con và những đứa bé khác.
Ta nhớ dạo ấy, sau bao tháng ngày kể từ lúc con thành hình trong bụng mẹ, những gì ta nói về con đã không sai. Ta nói ra không phải để khoe ta có tài cán gì mà chỉ muốn nói rằng con sẽ như thế và mọi người nên dành tình thương để con được ra đời như thế. Con không có lỗi gì với sự tồn tại của mình. Không nên để con chịu tội oan.
Ta nhớ dạo ấy, con đã mấy lần suýt chết. Khi thì con bị buộc phải chuẩn bị lên bàn mổ để vĩnh biệt cuộc sống. Khi thì con gặp nguy khốn với dây nhau quấn khít vào cổ trước giờ chào đời. Thế mà nay con đã ngày một lớn, ngày một hiếu động, vui tươi, thông minh. Tuy con "mang tiếng" là quậy nhưng ta thật vui khi biết mọi người xung quanh ai cũng thương con, nhất là những người ngày trước vì giận cha mẹ con mà muốn loại bỏ con khỏi cuộc đời.
.......
.......
Ta muốn nói nữa... nhưng thôi...Hẹn dịp khác ta lại nói tiếp...
.......
.......
Giờ đây, trong những phút giây tĩnh lự, nghĩ đến con và những đứa trẻ đang ngày mỗi lớn, như những nụ hoa lan kia, đang dần dần mở rộng những chiếc cánh để làm đẹp cho đời, ta thấy thật hạnh phúc, an lạc.

Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2012

Phóng sanh (2012)

Tất nhiên phóng sanh nhiều thì tốt, nhưng quan trọng là mình phóng sanh bằng cái tâm gì. Nếu phóng sanh với cái tâm phóng sanh kiểu "lập công ghi điểm" thì thà ở nhà ăn cơm cá lóc nấu canh chua.

Trên ghe phóng sanh. Phần lớn người tham gia là thành viên của đạo tràng chùa Viên Minh.

Cá lóc là giống cá khỏe, sức chịu đựng cao, mặc dù có thể là cá nuôi nhưng khả năng sống sót ngoài thiên nhiên vẫn tốt.
Lẽ ra hôm nay chú cá lóc này sẽ lên thớt nhà ai...

Phóng sanh mùa Vu Lan 2012

Ô hay... Vậy là tháng 7, mùa thu đến rồi, khí trời mang mang, mưa vẫn còn rơi nhưng gió đã có mang chút hơi mát lạnh như báo hiệu mùa nóng nực sắp hết. Tiết thu sang, mùa Vu Lan, mình ra bến đò cũ bên dòng sông thân quen để chờ ghe phóng sanh. Hôm nay mình sẽ tham dự buổi phóng sanh cá của đạo tràng chùa Viên Minh. Một hoạt động tâm linh mang nhiều ý nghĩa nhiệm màu. Hãy còn sớm, ghe chưa tới, đứng chờ vậy. Nhìn dòng sông thân quen mà con nước thì vô thường, mình tự hỏi con sông xưa đây rồi mà dòng nước xưa nay đã về đâu ? Nước xưa nay đã chảy về đâu ? Đã hóa thành mây hay còn lênh đênh nơi nào ? Đã hòa vào biển lớn hay đã về nơi suối nguồn ? Lòng man mác...Nhớ ngày Vu Lan, nhớ cha già...Bèn cảm một bài thơ...
 
Gió thổi mạnh hơn. Mây đen kéo tới thật nhanh như báo hiệu sắp có một trận mưa lớn. Hôm nay đoàn phóng sanh cũng tới sớm nhưng vắng mặt anh trưởng đoàn vì bị té ngã chấn thương phải nhập viện từ hôm qua. Vắng trưởng đoàn, mọi người có vẻ ngơ ngác. Nhưng không sao, đã có người khác làm thay. Mình hơi lo rồi nói với một chú đi cùng "Hôm nay chắc trời mưa quá !", người chú nói "Không việc gì phải lo cả. Có bao giờ chúng ta đi phóng sanh mà bị mắc mưa không ? Đoàn chúng ta khi đi phóng sanh là có chư thiên theo phò trợ rồi. Không mưa đâu!" (đúng là suốt buổi phóng sanh, mặc dù trời mây đen ùn ùn mà không mưa một giọt nào)
 

 
Đến giờ phóng sanh rồi. Ghe cũng đã ra đến sông Hàm Luông mênh mông. Mọi người vừa niệm A Di Đà Phật vừa quây quanh những chiếc thùng sắt nơi chứa hàng nghìn chú cá may mắn sắp được phóng sanh, trở về với sông nước. 
 
Cá được thả hôm nay gồm có cá điêu hồng. Loại cá này cỡ bàn tay, thường dùng nấu canh chua hoặc kho mẵn. Nay các chú được may mắn vừa nghe kinh xong thì được thả tự do. 

 
Rồi cá rô nữa. Các chú này khỏe như trâu. Vừa vớt vào rổ đã nhảy rào rào. 

 
Không khí phóng sanh thật hoan hỷ. Trông có vẻ lộn xộn nhưng kỳ thực rất trật tự, ai cũng tự giác làm việc của mình, Người nào xúc cá ra khỏi thùng thì chuyền cá cho người thả. Người nào thả rồi thì nhường rổ cá cho người bên cạnh thả. Không khí hòa đồng, tuy sơ mà thân, tuy không nói nhưng nụ cười và cái trao tay nhau rổ cá đã nói lên tất cả.
 
Buổi phóng sanh diễn trong bầu không khí ấm áp, hoan hỷ, đầy chất tâm linh.

-dongquangus-

Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

Khám phá bếp ăn người nghèo

Trong những lần đi từ thiện, tôi thường "rình" chụp hình nồi xoong của người nghèo. Không phải mình ham ăn mà rình đâu nhe, nhung một sự bất ngờ khám phá sẽ biết được thường ngày họ ăn cơm ra sao.

 

Đây là bữa cơm trong ngày của một bà cụ nghèo. Nồi cá kho có một khúc đầu này bà đã ăn 2 ngày nay rồi. Phần cơm kia bà nấu ăn tới ngày mai.


Còn đây là phần cơm trưa của một người tâm thần nghèo tên là Hạnh. Hôm mình tới đúng lúc chú Hạnh đang ăn cơm. Bữa trưa chỉ vỏn vẹn cơm trắng và mắm cá chốt (mắm sống).


Nồi thịt heo kho chỉ có mấy miếng xắt mỏng lét. Một cây nấm mới hái ngoài vườn để sẵn trên dĩa chờ trưa kho chung với thịt. Đây là phần ăn của hai chị em nhà nghèo ở một vùng nông thôn hẻo lánh ở miền Tây.


Còn cái nồi tép này là của vợ chồng cụ ông N.V.Tý. Họ dự định ăn nhiêu đây trong ngày.
Ông Tý nay ngoài 70 rồi, cách đây mấy năm ông đi bán bánh mì dạo, rồi vì cảm thương cụ bà tên là Hương tuổi cũng tầm 70 sống neo đơn mà lại bị bệnh viêm khớp không làm gì nổi trừ việc đứng lên ngồi xuống mà ông đến ở chung bầu bạn. Nay không biết ông bà ra sao rồi, chứ hôm mình đến ông Tý đang bị sốt, không ngồi dậy nổi. Còn bà cụ thì cứ đi rề rề, mặt mày nhăn nhó vì đau nhức.


Một bữa nọ, mình bất ngờ tới thăm và tặng quà cho gia đình nghèo nọ. Đúng ngay lúc họ đang ăn trưa và chụp lại bữa ăn này. Món canh là nước cơm, mắm tép không có tép, chao, rau luộc, trứng chiên.


Đây là nồi cơm của một gia đình 5 người và tất cả đều bị bệnh tâm thần với mức độ nặng nhẹ khác nhau.
Nồi cơm này họ nấu từ hôm qua, lớp cơm phía trên còn sống nhăn nhưng có vẻ họ vẫn chén tuốt. Bà con  hàng xóm cho biết gia đình này mỗi lần nấu cơm là nấu hết toàn bộ số gạo họ có trong nhà bất chấp có ăn nổi hay không, dư hay thiếu, nên để dành hay không. Thí dụ như có ai cho gia đình tâm thần này 10 kg gạo thì họ sẽ nấu sạch 10 kg gạo này trong một ngày. Eo ơi ! Bởi thế mà hàng xóm luôn chia nhau túi gạo nhà họ, hôm thì hộ này nấu dùm một nồi, hôm thì hộ nọ nấu dùm một nồi.

-dongquangus-

Thứ Năm, 7 tháng 6, 2012

Thế giới của bệnh nhân tâm thần

Trong thế giới bệnh nhân tâm thần, ổ khóa, cửa sắt là những thứ quen thuộc. Mỗi lần lên cơn tâm thần là họ sẽ đối diện với chúng.

Không còn cách nào khác, nếu tiêm thuốc hoài thì không tốt, khuyên răn cũng khó nghe. Chịu thôi, có cách gì làm được thì làm.




Mà thả họ ra thì sao ? Họ ra khỏi phòng bằng cách "đi" như thế này.


Chị này vui tính lắm.
Khi mình đi ngang qua cửa, chị gọi : - Anh ơi ! Chụp cho em tấm hình đi !
- Ờ ờ ! Đứng ngay ngắn nhe ...! Chuẩn bị...1...2...
- Khoan ! Đợi em làm dáng cái !  Chừng nào nghe em hô "A Di Đà Phật" rồi em cắn miếng thịt heo thì anh hãy chụp nhe !
- ...!!! 
Có đi từ thiện, đến những chỗ này mới biết...
-dongquangus-