Người ta, những người tin vào đời sống tâm linh, thường dễ rơi vào mê tín. Mê tín đến từ đâu? Đến từ dân gian, nơi mà người tỉnh thức và vô minh sống xen lẫn nhau. Có những việc người tỉnh thức nói đúng mà người ta không tin, có việc sai từ những kẻ vô minh mà lại cho là đúng rồi làm theo, dẫn tới sự mê tín.
Một trong những điều mê tín đó là bị "lậm", thái quá trong việc cúng kiến. Mỗi lần thắp nhang bàn thờ, đành rằng kính cẩn là điều tốt nhưng vì thái quá nên sanh ra những điều phiền hà, không cần thiết và rồi tự cho là linh thiêng.
Thí dụ như cái lư hương và cây nhang trên bàn thờ. Không biết từ bao giờ người ta kính cẩn cái lư hương và cây nhang lắm. Cắm nhang mà thấy cây nhang cháy còn tàn cong quằn xoắn tròn xuống thì cho là có "người chứng", là ông bà "chứng", là có Trời Phật "dzô nhà mình" phù hộ nên sẽ hên lắm mà không chịu tin rằng đó chỉ là một "phương tiện" để cõi tâm linh biểu thị điềm báo, điềm báo có thể là điềm lành mà cũng có thể là điềm dữ, phải có người thực sự am hiểu, nhân có hiện tượng đó mà lấy quẻ xem là điềm gì. Ngoài ra có khi đó chỉ là hiện tượng ngẫu nhiên bình thường, không có bất cứ điềm gì chỉ vì trong bó nhang nhất định phải có ít nhất một cây có ruột là cây tre già kích cỡ to hoặc độ dẻo dai hơn và khi cháy nó sẽ cong lại thay vì rời ra như những cây khác.
Xuất phát từ niềm tin ấy người ta "nâng niu", dọn dẹp bàn thờ mà không dám làm gì mạnh tay, sợ cái tro xoắn rớt thì mất "cái hên". Kết quả là các bác, các chú làm nhang đã nhanh trí lợi dụng cái mê tín đã chế ra loại nhang xịn, mắc tiền, đốt không cong không ăn tiền, một bó 100 cây nhang đều cháy cong như nhau. Như vậy mỗi lần thắp nhang xịn thì Trời Phât, ông bà chịu khó về hơn đốt nhang thường à ? Trời Phật mà cũng thích xài đồ xịn, chê đồ bèo à ?
Còn nữa, chân nhang của cây nhang đã cháy hết phần thân rồi còn cắm lại trên lư hương thì người ta cũng "cưng" lắm, không dám nhổ ra bỏ mà phải đợi coi ngày coi giờ mới nhổ ra đốt. Rồi tình cờ có hôm nào đó, mấy cái chân nhang phát hỏa, cháy bùng lên thì cho là "hên" sắp tới, có thần chứng, Trời Phật chứng, ông bà "cười" mà nhất nhất không chịu tin rằng là do ngày ngày cắm chân nhang đầy chật kín cái lư, tới hôm nào lỡ tay cắm sâu quá, thân nhang cháy quá gần bó chân nhang, thế là bắt lửa, cái thì cháy ngún, cái thì cháy phừng phừng, nguy cơ hỏa hoạn rất cao. Nếu ông bà, Trời Phật mà chọn cái kiểu "đánh tín hiệu" cho người sống rằng mình về nhà kiểu đó thì hóa ra họ dở vậy sao ? Có rất nhiều cách để "báo tin", không cần phải đốt cái lư hương kiểu nguy hiểm như vậy. Hôm nào lỡ gia chủ vắng nhà, cháy kiểu đó có mà cháy nhà. Thực ra nhang và lư hương chỉ là phương tiện cúng kiến mà thôi, chỉ cần giữ vệ sinh sạch sẽ là được. Lư bể thì vứt, mua cái mới, chân nhang thì hôm nào rảnh nhổ ra đốt bỏ. Việc người ta bảo nhau phải "cưng" lư và chân nhang xuất phát từ quan niệm cái gì mình khấn vô, lạy lục thì nó có "khí hên", kiểu như cái tượng mà lạy riết rồi thì cho là có "khí", mỗi lần lạy tượng thì lấy tay rờ vào tượng rồi xoa xoa lên đầu, hít hà lấy hên mà không biết rằng việc đó không cần thiết.
Tại sao ra nông nỗi mê tín như vậy ?
Ngược dòng lịch sử, ngày xưa, loài người nói chung rất quý lửa. Đối với lửa, họ phải thay nhau giữ gìn liên tục vì tạo ra lửa không phải dễ trong khi lửa rất có ích trong việc giữ ấm, nấu nướng và xua đuổi thú rừng. Dần dà, xuất hiện tín ngưỡng thờ thần lửa, người ta tin rằng có một vị thần đã ban lửa xuống trần gian cho họ. Ở Á Đông, cụ thể là xứ Tàu xa xưa có một đạo tên là Bôn Giáo, thờ thần lửa. Tín đồ rất đông. Vào những ngày lễ người ta thường đốt lửa lên rồi vái lạy, ngày thường thì họ thờ thần lửa bằng cách dùng một cây que nhỏ có thể cháy lâu được rồi cắm lên bàn thờ. Đó chính là tiền thân cây nhang ngày nay. Vì là tín ngưỡng nên cũng sợ thần quở, họ kính cẩn lắm, làm gì cũng sợ mất lửa nên nhẹ nhàng, sợ nhang tắt, sợ hỏng lư hương... Rồi ngày dài năm tháng trôi qua, bằng cách nào đó, khả năng cao nhất là do sự lợi dụng của giới chính trị cầm quyền, tín ngưỡng của Bôn giáo đã đi vào sâu trong dân gian khiến những người trọng tín ngưỡng khác đã lấy thắp nhang làm phương tiện thể hiện sự kính quý và mong cầu Trời Phật, ông bà...
Trong tác phẩm tiểu thuyết "Ỷ Thiên Đồ Long Ký" của Kim Dung có nói tới Minh giáo về sau chính là lực lượng hỗ trợ đắc lực để Chu Nguyên Chương lên ngôi lập ra nhà Minh. Trong lịch sử, Minh giáo chính là một nhánh của Bôn giáo, vốn thờ thần lửa từ xưa. Bởi thế mà từ thời nhà Minh, việc cúng kiến nhang đèn rất nhiều, việc đốt nhang ngộp thở kéo dài tới tận ngày nay, lại theo những người Tàu lưu vong sang đây mà thành ra cái tục lệ ở nước ta vốn là nước đã từng bị Tàu đô hộ, dạy những trò cúng kiến, đốt vàng mã từ đời Đường.
Xứ Đài Loan ngày nay họ đi chùa mà đốt nhang nhiều tới nỗi chùa phải lắp nhiều quạt hút gió hút khói, nhang vừa đốt cháy 1/5 là rút ra nhúng nước dập ngay. Mấy cây nhang cháy dở sau đó bị vứt vô thùng rác. Vậy việc họ dập sớm thế mình có mất hên không ? Sao cứ phải "cưng" mấy cây nhang, chân nhang và lư hương như vậy ? Lại còn nếu thấy cháy chân nhang thì không nên dùng nước mà phải chế rượu vô cho tắt nữa chứ (đổ rượu vô có mà cháy cho dữ hơn) !? Đó là cái trò buồn cười của dân mê tín bày ra! Mọi người đừng có để bị họ lừa gạt. Chúng ta nghe bạn chúng ta nói thế chứ chưa chắc bạn ấy biết rõ mà có khi là nghe từ người khác, rồi cái người khác đó chưa chắc là họ biết mà là do nghe từ người khác nữa.
Còn đối với nhà Phật, kinh sách không hề yêu cầu phải thắp nhang bàn thờ Phật. Vì "nhập gia tùy tục", Phật giáo vào Trung Hoa cũng nới lỏng giới luật tí xíu cho phép người ta thắp nhang trong chùa nhưng sau một thời gian các thầy dạy đệ tử hiểu rõ là nhà Phật không khuyên đốt nhang cầu khấn gì ráo.
Sau cùng, mọi người hãy tỉnh táo, đừng có quá mê lậm vô những điều vặt vãnh đó. Đốt nhang vừa vừa thôi. Khỏi đốt cũng được. Chân nhang lư hương cháy thì đổ nước vô dập, đem chân nhang ra đốt bớt cho an toàn rồi cúng lại. Không có ông bà, Trời Phật nào quở cả đâu. Còn hên hay không hên thì phải tùy vô Nhân Quả, ăn ở không lành thì sao mà hên ? Làm người kém đức há trốn được kiếp nạn sao ?
-dongquangus-