39. QUẺ THỦY SƠN KIỂN
Trên là Khảm (nước), dưới là Cấn
(núi)
Ở thời chia lìa chống đối thì tất gặp nỗi gian nan, hiểm
trở, cho nên sau quẻ Khuê tới quẻ Kiển (gian nan)
* Thoán từ
蹇: 利西南, 不利東北, 利見大人, 貞吉.
Kiển: Lợi Tây Nam, bất lợi đông Bắc, lợi kiến đại nhân,
trinh cát.
Dịch: Gian nan: đi về Tây nam thì lợi, về đông Bắc thì bật
lợi. Gặp đại nhân giúp cho thì lợi; bền giữa đạo chính thì mới tốt.
Giảng: Trước mặt là sông (Khảm), sau lưng là núi(Cấn), tiến
lui đều gian nan hiểm trở nên gọi là quẻ Kiển. Phải bỏ đường hiểm trở mà kiếm
đường bằng phẳng dễ đi, ở hướng Tây Nam, hướng quẻ Khôn, đừng đi hướng đông
Bắc, hướng quẻ Cấn. Dĩ nhiên chúng ta không nên hiểu đúng từng chữ Tây Nam và
Đông Bắc, chỉ nên hiểu ý thôi.
Ở thời gian nan này, phải nhờ có người có tài, đức (đại
nhân) giúp cho thì mới thoát nạn (lợi kiến đại nhân), và phải bền giữ đạo
chính.
Đại tượng truyện khuyên phải tự xét mình mà luyện đức (phản
thân tu đức).
* Hào từ:
1.
初六: 往蹇, 來譽.
Sơ lục: vãng kiển, lai dự.
Dịch: Hào 1, âm: tiến lên thì gặp nạn, lui lại (hoặc ngừng)
thì được khen.
Giảng: Vào đầu thời gian nan, hào 1 này âm nhu, không có
tài, tiến lên hay hành động thì xấu, chỉ nên chờ thời.
2.
六二: 王臣蹇蹇, 匪躬之故.
Lục nhị: Vương thần kiển kiển, phỉ cung chi cố.
Dịch: Hào 2 âm: bậc bề tôi chịu gán hết gian nan này tới
gian nan khác là vì vua, vì nước, chứ không phải vì mình.
Giảng: hào này cũng âm nhu, kém tài, nhưng đắc trung đắc
chính, có đức, được vua (hào 5, dương mà cũng trung chính) phó thác việc nước,
nên phải chống chỏi với mọi gian nan, không dám từ, mặc dầu tự biết không chắc
gì cứu nước, cứu dân được trong thời khó khăn này. Hoàn toàn không vì mình,
đáng khen.
3.
九三: 往蹇, 來反.
Cửu tam: Vãng kiển, lai phản.
Dịch: Hào 3, dương: Tiến tới thì mắc nạn, nên trở lại.
Giảng: hào này dương cương đắc chính, nhưng vẫn còn ở nội
quái, tức chưa hết nửa thời gian nan, lại thêm hào trên cũng âm nhu, ứng với nó
mà không giúp được gì, nên Hào từ khuyên đừng tiến, cứ quay lại với hào âm thì
vui vẻ hơn; bề gì cũng là bạn cũ rồi.
4.
六四: 往蹇, 來連.
Lục tứ: Vãng kiển, lai liên.
Dịch: Hào 4, âm: tiến tới thì mắc nạn, nên trở lại mà liên
hiệp với các hào dưới.
Giảng: Hào này âm nhu, kém tài, đã tiến lên ngoại quái, quá
nữa thời gian nan, nhưng lại gặp hiểm trở (ngoại quái là Khảm) cũng không nên
tiến lên, mà nên lùi lại với hào 3, liên hợp với ba hào ở dưới, để thêm thế
lực.
5.
九五: 大蹇, 朋來.
Cửu ngũ: Đại kiển, bằng lai.
Dịch: Hào 5, dương: cực kỳ gian nan, nhưng có bạn tới giúp.
Giảng: Ở giữa ngoại quái khảm (hiểm) cho nên cực kỳ gian
nan. Hào này như ông vua có tài, nhưng cũng khó thoát được hiểm. May có hào 2
đắc trung, đắc chính ứng với mình, sẳn lòng dắt các bạn tức các hào 1, 3, 5 tới
giúp mình. Nhưng các hào ấy đều ít tài, trừ hào 3; như vậy là tay chân của 5
tầm thường cả, không làm nên việc lớn, nên Hào từ không khen là tốt. Cũng không
dùng chữ lai, không bảo nên lùi vì địa vị nguyên thủ của 5 không cho phép 5 lùi
được, lùi thì trút trách nhiệm cho ai?
6.
上六: 往蹇, 來碩, 吉.利見大人.
Thượng lục: Vãng kiển, lai thạc, cát, lợi kiến đại nhân.
Dịch: Hào trên cùng ,âm; tiến tới thì gian nan, lùi lại thì
làm được việc lớn, tốt; nên tìm gặp đại nhân thì có lợi.
Giảng: ở cuối thời gian nan, có cảnh tượng đáng mừng; hào
này âm nhu, không một mình mạo hiểm được nên quay lại giúp hào 5, bậc đại nhân
(có tài đức), thì lập được công lớn (thạc), tốt.
*
Gặp thời gian nan, nên thận trọng đợi thời. Riêng vị nguyên
thủ phải tìm người tốt giúp mình, liên kết mọi tầng lớp để cùng mình chống
đỡ.
- Nguyễn Hiến Lê -