-Đông Quang-
Người phương Đông xưa thường sống có nề nếp theo nông nghiệp, thuận theo bốn mùa. Khi mùa Thu về là lúc đất trời thu tàng, muôn vật co lại, gió khô mát, đất nứt ra thành khe đoài, các hạt giống cây trái rơi rớt xuống những khe đất như tìm chỗ trú ẩn cho mùa Đông giá sắp đến. Mùa Thu được gọi là mùa Thu là vì vậy. Rồi đó những hạt giống vẫn còn sức sống, chỉ là nằm im chờ sang mùa sau. Lúc bấy giờ người xưa cũng ra đồng thu hoạch lúa thóc, ngô, khoai, các hạt giống đem về nhà cất ở kho, trong nhà đầy ắp lương thực và hạt giống để dành cho vụ mùa sau, vậy lúc này cũng là lúc nông nhàn, cả nhà xum vầy bên bếp ấm, cùng ăn bánh, uống trà nóng. Ngoài sân trăng rằm sáng vằng vặc, trẻ con được ra ngoài sân chơi đùa với lồng đèn ông sao, lúc ấy chưa có đèn điện, ngoài sân ban đêm tối mà có ánh trăng sáng tỏ hẳn là vui lắm nên cũng gọi trung thu là tết thiếu nhi.
Tất cả những hình ảnh ấy đều có trong bánh trung thu. Cái vỏ bánh tượng trưng cho Đất, nhân bánh là lòng đất, trứng đỏ ở giữa tượng trưng hành Hỏa là hơi ấm của sự sống, xung quanh là hạt dưa, hạt mè, đậu phộng, hạt điều... đại diện cho các hạt giống đang ẩn náu trong lòng đất chờ sang Xuân và đó cũng là hình ảnh của một gia đình hạnh phúc đang quây quần bên bếp hồng, xung quanh là lúa thóc, ngô, khoai...thật sung túc, cũng là hình ảnh ẩn dụ của niềm tin sự sống luôn trường tồn bất kể mùa Đông giá rét sắp đến,...