Vào sáng sớm ngày thứ Ba, một ngày bình thường như mọi ngày, ta dậy sớm làm việc, mở máy tính thấy có đứa học trò hỏi "... ý tưởng đổi chữ viết là nên hay không thầy" ?
Ta bèn suy nghĩ ...rồi đi ngủ lại.
Khi trời hửng sáng, ta dậy đi tắm, sau đó tự pha cho mình tách trà nóng với gừng tươi và trà hoa bụp giấm. Nhấp ngụm trà thơm, vị đăng đắng, chua chua, cay cay, tinh thần sảng khoái, ngáp dài một cái ta nói...
Kinh Dịch có một quẻ tên là Trạch Hỏa Cách. "Cách" có nghĩa là: đổi mới, cách mạng, cách tân...
Lời đầu quẻ nói : "革: 已日乃孚, 元亨 利貞.悔亡.
Cách: Dĩ nhật nãi phu, nguyên hanh lợi trinh. Hối vong.
Dịch: Thay đổi: Phải lâu ngày người ta mới tin được; phải rất hanh thông, hợp chính đạo (thì người ta mới phục). Ðược vậy thì không phải ăn năn."
Cách: Dĩ nhật nãi phu, nguyên hanh lợi trinh. Hối vong.
Dịch: Thay đổi: Phải lâu ngày người ta mới tin được; phải rất hanh thông, hợp chính đạo (thì người ta mới phục). Ðược vậy thì không phải ăn năn."
Nghĩa là Ở thời của sự đổi mới (tiếng Việt), thì phải tính kế lâu dài (người ta thấy hợp mới dùng), (nhưng) cái sự đổi mới này phải "hợp chính đạo", có thế thì mới không gặp việc đáng tiếc sau này.
Nghĩa là sao ?
Việc gì cũng vậy, phải hợp Chính Đạo. Chính đạo là gì ? Là đường lối nào sẽ dẫn mình đi thật xa mà vẫn đúng chân lý. Nghĩ ra chữ viết mới cần phải có trình độ hiểu biết cao và tầm nhìn xa về ngôn ngữ, cũng ví như loài chim đại bàng vậy, chim ấy bay cao là vì nó có nhãn quan tinh tường, có tầm nhìn xa, trông rộng, đôi cánh nó to khỏe, giang rộng mới tự tin lướt trên gió lớn, không như hạng chim sâu, chim sẻ, vì bay dưới thấp mà tầm nhìn hạn hẹp, rồi vì tầm nhìn hạn hẹp mà chỉ bay dưới thấp.
Tiếng Việt -hay cái gì - đổi mới cũng vậy, hãy tạo ra cái chữ có thể chứa đựng được cả tâm hồn dân tộc, để trăm năm sau vẫn còn hữu ích, chứ đừng có vì ham ba cái tầm ngắn nhất thời mà cho ra loại chữ càng học càng ngắn...
Lời quẻ còn nữa ...
-dongquangus-