Ta nhớ một đêm tối trời, có người cha nọ băn khoăn suy nghĩ về cuộc đời và tương lai, nghĩ về số mệnh của mình không biết tương lai có còn được sống cùng các con hay không ?
Có lẽ đó là câu hỏi mà bất cứ người cha nào cũng sẽ có ít nhất một lần nghĩ đến trong đời nhưng tình cảnh mỗi người cha mỗi khác nên cái suy nghĩ tuy có cùng nội dung nhưng sẽ chẳng ai giống ai. Ta nhân duyên vậy nói riêng với người cha ấy thế này.
Luận rằng thời của Tốn là sự thuận tùy. Vì sao ? Đó là vì trên Tốn mà dưới cũng Tốn. Tốn là từ chỗ Càn ba hào dương mà chịu khuyết ở dưới một hào âm. Hai dương một âm, đó là tượng âm phục tùng dương. Vì trên cũng Âm phục tùng Dương mà dưới cũng thế nên gọi là thuận theo.
Vì sao lại thuận theo ?
Đó là vì Càn khuyết đi một mà lại là khuyết ở dưới nên có sự tình chi còn giấu trong lòng chẳng tiện nói ra. Vì có sự tình riêng mà lại thuận tùy theo tình cảnh nên mới nói đó là Tốn.
Tốn từ đâu mà ra ?
Bởi vì ngày xưa, Tốn đến từ chỗ Lữ. Lữ là đến chỗ tha hương.
Vì ngày xưa ta sống đời lữ thứ, ta đến ở rồi gá thân nhau chốn quê người. Vì thân lữ khách đã dừng chân nơi quán trọ, nhiều việc buộc ràng chẳng khác nào ngựa đã bị cột vào dây cương nên tâm tư mới đến chỗ Tốn ngày nay.
Vậy thì phải làm sao ?
Ta nói Hào Động là chỗ nhắc nhở của Thần.Hào động nói thế này:
"上九: 巽在床下, 喪其資斧, 貞凶.
Thượng cửu: Tốn tại sàng hạ, táng kì tư phủ, trinh hung."
Dịch là : Giấu diếm ở dưới sàng giường, coi chừng mất đồ hộ thân, nếu cứ giữ cái lối suy nghĩ như vậy thì sẽ có chuyện đấy !
Rồi sau cùng sẽ ra sao ?
Từ chỗ Tốn mà đến chỗ Tỉnh, đó là đến chỗ của sự trầm lắng .
Cha sẽ trầm lắng, việc nào thái quá cha sẽ kìm chế. Tất cả là vì con và chỉ có thế mới được ở bên con.
-dongquangus-