Sáng sớm một ngày cuối tuần, ta dậy sớm trong tỉnh táo. Sau khi rửa mặt, vệ sinh xong xuôi, tự pha cho mình một ly cafe thật nóng. Ngồi vào bàn,... ta nghĩ về Kinh Dịch.
Sau những chuyện nong nóng gần đây, ta nghĩ đến quẻ Hỏa Trạch Khuê.
Khuê nghĩa là gì ?
Khuê nghĩa là : xa lìa, phân khai...
Quẻ Hỏa Trạch Khuê là quẻ của thời chia lìa, chống đối nhau, được xem là quẻ xấu nhất trong Kinh Dịch.
Vì sao là Hỏa Trạch Khuê ?
Vì Lửa ở trên mà không xuống, lại bay lên vì tính Hỏa hay hướng lên, Đoài ở dưới mà lại chìm vì tính Đoài hay lắng xuống nên Trên không xuống với Dưới, Dưới không hướng lên Trên. Trên-Dưới không gặp nhau, Âm-Dương chẳng hợp, Lửa ngày càng bốc mà Đoài ngày càng trầm, mới gọi là chia lìa, phân khai, chẳng gần nhau được...
Vì Nhân là Gia Nhân nên nay mới đến Quả là Khuê. Vì ở thời Gia Nhân, đạo ứng xử giữa người nhà, người thân với nhau đã xong. Dù hợp hay không hợp, dù đúng hay sai thì sau đó cũng phải phân chia, ra riêng...
Nguyên văn Thoán truyện của Nho gia Trung Hoa giảng thêm rằng (Nguyễn Hiến Lê dịch) : "Đoài là thiếu nữ, Ly là trung nữ, ví như hai chị em trong một nhà mà xu hướng trái nhau. Em gái hướng về cha mẹ, chị gái hướng về chồng. Chí hướng khác nhau nên gọi là Khuê...". Thế mới nói quẻ Khuê là quẻ xấu trong Kinh Dịch.
Vậy phải làm sao ?
Đức tánh của Đoài là vui, tánh của Ly là sáng. Chị ở trên mà quang minh, đức độ, em gái ở dưới mà vui vẻ, hoạt bát thì mới hợp nhau, dù có chia xa thì cũng hài lòng, còn mà em cứ trầm xuống, tự kỷ, chị thì suy nghĩ quá "sáng", lửa bốc quá cao, ra vẻ ta đây, đàn chị có quyền phán xét thì chẳng gặp nhau được. Chi bằng trong cái dị nên có cái đồng, mỗi bên bớt đi một chút thì sẽ thành công, dù ở thời chia xa mà không bị tổn thương.
Quẻ Khuê tuy được xem là quẻ xấu nhất trong 64 quẻ nhưng lại cũng được đánh giá là quẻ có nghĩa lý sâu xa, cao thâm, ngôn ngữ ly kỳ, biến hóa không nói hết được.