Ta xem tượng Trời, rồi cúi nhìn Đất nghe chuyện Người, ta bèn nghĩ tới quẻ Hỏa Thủy Vị Tế. Quẻ thứ 64, quẻ cuối cùng trong Kinh Dịch.
Vị Tế nghĩa là gì ?
Vị là : chưa.
Tế là : qua sông, qua bên kia...
Vị Tế nghĩa là Chưa qua sông.
Trước Vị Tế là Ký Tế. Ký Tế nghĩa là Đã qua sông. Vì sao đến quẻ cuối lại vẫn "chưa qua sông" ?
Đó là vì Hỏa trên mà Thủy dưới. Lửa trên trời còn, nước dưới đất còn thì sự sống vẫn còn. Nơi Hỏa có chứa Âm, nơi Thủy có chứa Dương, Âm Dương còn thì chẳng đâu là chỗ cuối, chẳng có gì là mất hết. Âm Dương xoay chuyển không ngừng, vạn vật cũng không ngừng vận động.
Đối với sự đời cũng thế! Thành công rồi thì cũng chẳng phải lúc Ngừng, lúc Thành công cũng chính là lúc Vị Tế, chẳng thể khinh nhờn, lơ là, biếng trễ. Thất bại cũng vậy, cũng chẳng phải là không còn gì, không phải là tuyệt vọng. Lúc không thành tức cũng là lúc khởi đầu cho sự Thành.
Tất cả những gì đã "Ký Tế" đều "Vị Tế". Nơi Vị Tế cũng là nơi bắt đầu khai thiên lập địa vậy.
Bởi thế mà hào cuối của quẻ cuối cùng này nói
"Hữu phu vu ẩm tửu, vô cữu
Nhu kỳ thủ, hữu phu, thất thị"
Nghĩa là: Tin tưởng nhau mà chờ đợi dịp khác một cách thong thả như ngồi uống rượu nhâm nhi thì không có lỗi. Còn mà quá tự tin (hay bi quan) rồi cứ chìm đắm say bét nhè thì chẳng đáng nhìn mặt nữa.
-dongquangus-
Bài liên quan: